Cổ phiếu DRH bị đưa vào diện cảnh báo
Nguyên nhân cổ phiếu DRH bị đưa vào diện cảnh báo là bởi doanh nghiệp chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Cổ phiếu DRH đã bị HoSE chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) kể từ ngày 27/05/2024 do Công ty vẫn chưa nộp BCTC kiểm toán 2023 dù đã quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong đơn giải trình gửi HoSE ngày 15/05/2024, DRH nói đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc phát hành BCTC mà đơn vị kiểm toán yêu cầu. Tuy nhiên, vào ngày 14/05/2024, Công ty nhận phản hồi không rõ nguyên nhân từ bên kiểm toán về việc ngưng thực hiện công tác kiểm toán BCTC năm 2023, và hiện đang làm việc với đơn vị này về việc ngưng phát hành BCTC nêu trên.
DRH đành chọn đơn vị kiểm toán khác để thực hiện nên vì vậy, BCTC sẽ được hoàn thành trong 3 tháng nữa, thay vì ngày 15/05 như Công ty thông báo trước đó. BCTN năm 2023 theo đó cũng được dời lại, dự kiến công bố sau 10 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2023, do còn nhiều thông tin liên quan cần hoàn thiện.
Vì việc này, DRH đã quyết định điều chỉnh ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 đến 18/06/2024, thay vì 30/05 như đã chốt. Tuy nhiên, ngày 17/06, Công ty lại thông báo dời ngày tổ chức đến ngày 19/07 nhưng cũng chưa chắc chắn khi ghi chú thêm “hoặc một ngày khác nhưng không trễ hơn 21 ngày kể từ ngày có BCTC kiểm toán năm 2023”. Nguyên nhân là do DRH vẫn đang chờ hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2023 để trình ĐHĐCĐ.
Trước đó, DRH Holdings đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 125 triệu đồng do chậm công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc chịu nhận "án" phạt từ nhiều lỗi vi phạm kể trên, tình hình kinh doanh của DRH Holdings trong thời gian vừa qua cũng không mấy khả quan.
Theo đó, tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của DRH Holdings chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm đến 76% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn bán hàng vẫn tăng lên mức 3 tỷ đồng (vượt mức doanh thu) dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của DRH Holdings là con số âm đến gần 700 triệu đồng.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của DRH Holdings trong quý đều là số âm lần lượt là 16 và 17 tỷ đồng. Cùng với đó, lũy kế 9 tháng lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng âm lần lượt là 52 tỷ đồng và 56 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại ngày kết thúc quý 3/2023 đến 2.385 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 541 tỷ đồng, tăng 2%; nợ vay 776 tỷ đồng, tăng 11%. Với vốn chủ sở hữu 1.559 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 1,52 lần.
Tình hình kinh doanh "ảm đạm" của DRH Holdings còn được minh chứng bằng việc doanh nghiệp này phải khất nợ số tiền 12 tỷ đồng trong việc thanh toán lãi cho lô trái phiếu có giá trị phát hành 410 tỷ đồng của mình.
Theo đó, đây là lô trái phiếu được DRH Holdings phát hành ngày 23/2/2022 có mã DRHH2224001, với giá trị phát hành 410 tỷ đồng. Mức lãi suất phát hành 12%/năm, kỳ lãi thanh toán 3 tháng/kỳ. Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Tài sản được DRH Holdings mang ra đảm bảo cho việc phát hành của mình khi ấy là 6.000.000 cổ phiếu Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã chứng khoán: KSB) thuộc sở hữu của công ty và quyền sử dụng đất gồm 3.415,9m2 đất của bên thứ ba tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, DRH Holdings còn đang vướng lùm xùm tại dự án Aurora (Quận 8) - dự án do DRH phát triển, khi nhiều khách hàng căng băng rôn biểu tình, gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng với lý do chậm bàn giao, không thực hiện đúng cam kết như hợp đồng đã ký.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn