Đối tác Nhật Bản nâng tỷ lệ sở hữu lên 38,23%
Mới đây nhất, ngày 10/12/2024, ASKA Pharmaceutical đã mua hơn 2,1 triệu cổ phiếu DHT, nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hà Tây từ 35,61% lên 38,23%. Với giá đóng cửa cổ phiếu DHT ngày 10/12 là 92.500 đồng/cổ phiếu, ước tính ASKA Pharmaceutical đã chi hơn 199,3 tỷ đồng cho đợt nâng tỷ lệ sở hữu lần này.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của Dược Hà Tây khá cô đặc, với cổ đông lớn nhất là ASKA Pharmaceutical nắm giữ 38,23%, tiếp đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Văn Lớ (2%), Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Anh Trung (1,33%), thành viên Hội đồng quản trị Lê Việt Linh (2,26%), thành viên Hội đồng quản trị Hoàng Văn Tuế (1,43%), thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Lê Xuân Thắng (1,39%)…
ASKA Pharmaceutical là hãng dược được thành lập hơn 100 năm trước, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản, chủ yếu sản xuất - kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế. Trong mảng dược phẩm, Công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
ASKA Pharmaceutical bắt đầu tham gia vào Dược Hà Tây từ năm 2020, sau khi mua 6,6 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ, sở hữu 24,9% vốn điều lệ. Cuối năm 2023, hãng dược Nhật Bản này nâng khối lượng cổ phiếu nắm giữ tỷ tại Dược Hà Tây lên hơn 26,8 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 32,56%. Trong năm 2024, tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại lần lượt nâng lên 35,61% và 38,23%.
Vậy Dược Hà Tây có gì hấp dẫn đối tác đến từ Nhật Bản? Tiền thân của Dược Hà Tây là Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây được thành lập năm 1965, chức năng, nhiệm vụ chính là sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chữa bệnh, hoá chất nguyên liệu làm thuốc, dược liệu và trang thiết bị dụng cụ y tế. Nhà máy của Công ty đặt tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, tổng diện tích khoảng 35.000 m2, hiện có 4 phân xưởng sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, 1 phân xưởng sơ chế và chế biến dược liệu, 1 phân xưởng sản xuất thực phẩm chức năng, phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP, 2 hệ thống kho thuốc ở Hà Nội và chi nhánh Nghệ An theo tiêu chuẩn GSP. Công ty đang triển khai dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ tiến hành thẩm định Japan- GMP trong quý I/2025 và dự kiến sản xuất thương mại vào năm 2026. Nhà máy sẽ có tối thiểu 50 sản phẩm để phục vụ kinh doanh cho giai đoạn 2025 - 2030.
Dược Hà Tây có 3 mảng hoạt động gồm mảng sản xuất và gia công, mảng dịch vụ nhập khẩu ủy thác và mảng thương mại. Danh mục sản phẩm tự sản xuất của doanh nghiệp phần lớn là dòng thuốc kháng sinh, bên cạnh đó là thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc tác động đến hệ hô hấp, thuốc chống dị ứng, chống viêm, thuốc bổ, thuốc an thần, thuốc nước tra mắt, thực phẩm chức năng.
Đáng chú ý, Dược Hà Tây được biết đến là công ty duy nhất ở miền Bắc được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, sản xuất và bán thuốc cai nghiện ma túy Methadone. Ở miền Nam, một số doanh nghiệp được cấp phép sản xuất và bán loại thuốc này là Vidiphar, Danaphar, Mekophar, Bidiphar.
Tham vọng sản xuất biệt dược gốc, gia nhập kênh ETC
Dược Hà Tây đang triển khai dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar.
Bên cạnh các sản phẩm được sản xuất bởi nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, Dược Hà Tây đang xây dựng thêm nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. Công ty đã cùng đối tác ASKA Pharmaceutical lên kế hoạch kinh doanh trung hạn 2024 - 2027, định hướng tầm nhìn đến năm 2040, phấn đấu là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thuốc biệt dược gốc vào năm 2030.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang có hai kênh phân phối chính là kênh đấu thầu bệnh viện (ETC, tức thuốc kê đơn) và kênh bán lẻ (OTC). Dược Hà Tây hiện có 9.000 nhà thuốc tư nhân lấy hàng của Công ty qua Công ty cổ phần CNC Hataphar Healthcare Việt Nam.
Theo Fitch Solutions, động lực tăng trưởng chính của ngành dược phẩm Việt Nam nằm trong mảng phân phối thuốc kê đơn. Hiện kênh ETC chiếm khoảng 75% thị phần phân phối thuốc chữa bệnh, với tốc độ tăng trưởng 8 - 12%/năm.
Năm 2025, doanh số bán thuốc ETC của các doanh nghiệp dược phẩm được dự báo đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Con số này nhiều khả năng sẽ tăng tịnh tiến, đạt mức 7,3 tỷ USD vào năm 2027 và cộng thêm 8 - 10%/năm cho đến năm 2030.
Dư địa tăng trưởng dài hạn từ kênh ETC là động lực thôi thúc Dược Hà Tây tham gia mạnh mẽ hơn thị trường này. Ông Lê Xuân Thắng Thắng, Tổng giám đốc Dược Hà Tây cho biết, hiện nay, sản phẩm do Công ty sản xuất chủ yếu phân phối theo kênh OTC, định hướng đến năm 2026, khi nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh kênh phân phối ETC.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, Dược Hà Tây đạt doanh thu 1.544 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 68 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54,8 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.769 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 78,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2024, Dược Hà Tây có tổng tài sản 1.785 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 1.076 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 708 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn (hơn 593 tỷ đồng).
Chủ trương của Dược Hà Tây là đẩy mạnh áp dụng công nghệ, phần mềm vào việc quản lý, đồng thời chú trọng tìm kiếm đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng kế hoạch triển khai kênh ETC cho danh mục sản phẩm dự kiến sản xuất tại nhà máy công nghệ cao Hataphar và thúc đẩy phát triển các sản phẩm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, biệt dược gốc từ ASKA Pharmaceutical.
Với cổ đông lớn là ASKA Pharmaceutical, Dược Hà Tây xác định mục tiêu tham vọng trở thành doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận đứng Top 5 vào năm 2030 và Top 2 vào năm 2040 tại Việt Nam.
Theo Kinrin Capital, xu hướng M&A giữa đối tác ngoại và các công ty dược trong nước sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành dược phẩm. Từ năm 2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp dược phẩm lớn trên thế giới liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp dược đầu ngành Việt Nam như Abbot (Mỹ) tại Domesco, Stada (Đức) tại Pymepharco, Taiso (Nhật Bản) tại Dược Hậu Giang...