Cổ phiếu duy trì độ phân hóa tích cực, khối ngoại tiếp tục xả mạnh
VN-Index rất vất vả mới duy trì được sắc xanh trong sáng nay do cả loạt cổ phiếu trụ nhóm ngân hàng suy yếu trở lại. Duy có nhóm cổ phiếu Vin vẫn xuất sắc nâng đỡ, nhưng không đủ để tạo đột biến. Dòng tiền cũng suy yếu đáng kể so với sáng hôm qua và khối ngoại tăng mạnh áp lực bán ròng.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,14% tương đương +1,77 điểm. VN30-Index tăng không đáng kể 0,77% với 8 mã tăng/17 mã giảm. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy các blue-chips chỉ có thể duy trì khả năng giữ nhịp ổn định chỉ số chứ không thể tạo thêm sức bật giống như hôm qua.
Thậm chí trong nhóm trụ cũng chỉ còn các mã VIC, VHM, VRE là kéo điểm đáng kể nhất: VIC tăng 3,51%, VHM tăng 1,1%, VRE tăng 5,61% đem lại xấp xỉ 2,9 điểm cho VN-Index. Điều này nghĩa là chỉ cần các mã này hạ độ cao một chút, chỉ số sẽ hầu như không tăng được.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi hồi lại khá bất ngờ chiều qua đã suy yếu trở lại sáng nay. Toàn nhóm chỉ còn 5/27 mã tăng và cũng chỉ VIB tăng 1,14% là đáng kể. May mắn là các trụ lớn chưa giảm sâu, dẫn đầu là HDB giảm 1,07% và mới là mã duy nhất giảm trên 1%. VCB, TCB, SHB, VPB, TPB đều đỏ nhưng biên độ nhỏ, ảnh hưởng chưa nhiều. Đó cũng là lý do giúp VN-Index còn tăng nhẹ bất chấp độ rộng rất hẹp trong rổ VN30, đồng thời chỉ vài mã trụ lớn tăng cũng cân bằng lại được.
Thanh khoản trong nhóm ngân hàng sáng nay cũng suy yếu đáng kể là nguyên nhân khiến giá không mạnh. Điều này tạo rủi ro cho chỉ số nếu các mã nhóm này tiếp tục suy yếu hơn trong phiên chiều. Thực ra ngoài nhóm Vin, một số trụ mạnh hôm qua như GAS, MSN, HPG, VNM cũng đang kém.
Dù vậy thị trường cũng không xấu, độ rộng thể hiện khả năng duy trì phân hóa ở cổ phiếu vẫn còn. Ngay cả khi VN-Index giảm sâu nhất, chạm đáy lúc 9h45 thì vẫn có 147 mã tăng/244 mã giảm. Chốt phiên sáng sàn HoSE có 227 mã tăng/225 mã giảm. Nhìn theo phân bổ dòng tiền thì nhóm tăng giá vẫn nhỉnh hơn khi chiếm gần 54% tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE, trong khi nhóm giảm chiếm 36%.
Sàn này cũng đang có 70 cổ phiếu tăng trên 1%, đóng góp 32,2% thanh khoản sàn. Giao dịch tích cực nhất xuất hiện tại VIX với 723,1 tỷ đồng khớp lệnh, giá tăng 3,35%; VRE với 373,1 tỷ, giá tăng 5,61%; GEX với 339,7 tỷ, giá tăng 1,35%; VHM với 272,5 tỷ, giá tăng 1,1%; VIC với 246,7 tỷ, giá tăng 3,51%; EVF với 219,1 tỷ, giá tăng 4,51%; VCI với 177,2 tỷ, giá tăng 1,11%; PDR với 160,1 tỷ, giá tăng 1,02%.
Phía giảm hiện mới có 36 mã rơi hơn 1% và thanh khoản cũng chỉ chiếm 6,5% sàn. DBC, CII, FIR, FCN, PAN, VHC, DGW, HAG, HDB, GAS là các ã duy nhất khớp trên 10 tỷ đồng.
Như vậy trạng thái lình xình biên độ hẹp đang là phổ biến. Cổ phiếu ít tổn thương cũng như không nhiều mã bùng nổ. Dù vậy mức độ tập trung của dòng tiền vẫn đang nhiều nét tích cực hơn ở phía tăng, nghĩa là lực đẩy vẫn chiếm ưu thế. Do sự phân hóa theo dòng tiền nên ngay cả trong từng nhóm cổ phiếu biến động giá cũng không giống nhau, không có nhóm nào tăng rõ nét. Ví dụ ngay với nhóm bất động sản, chỉ số VNREAL sàn HoSE tăng 1,72% nhưng chủ đạo cũng là nhờ các mã họ Vin. Nhóm chứng khoán có VIX, VCI, FTS, CTS khá mạnh nhưng nhiều mã khác cũng chỉ dao động lình xình với thanh khoản nhỏ.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm hơn 14% so với sáng hôm qua, đạt 11.189 tỷ đồng. Trong đó HoSE giảm giao dịch 18%, đạt 10.076 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu thanh khoản lớn sáng hôm qua đều giảm cường độ giao dịch đáng kể. Ví dụ VIC giảm giao dịch tới 32%, VHM giảm 38%, VNM giảm 57%... Sau một phiên bùng nổ giao dịch, thanh khoản sụt giảm là bình thường khi nhà đầu tư tạm dừng lại để quan sát. Dù vậy mức khớp lệnh phiên sáng trên 10 ngàn tỷ đồng hai sàn cũng không phải là thấp khi trung bình tháng trước Tết chỉ 7-8 ngàn tỷ đồng trong buổi sáng.
Khối ngoại đang xả tương đối mạnh trên HoSE với mức ròng -224 tỷ đồng. Hôm qua khối này mua ròng lớn chủ yếu là nhờ thỏa thuận trên UpCOM. Các mã bị bán lớn sáng nay là STB -50,3 tỷ, GEX -50,2 tỷ, MWG -46,4 tỷ, VPB -42,3 tỷ, CII -36,3 tỷ, HPG -33,5 tỷ, TPB -28,9 tỷ, HCM -25,9 tỷ, VCG -21,9 tỷ. Phía mua có VIX +143,7 tỷ, VRE +72,3 tỷ, VIC +41,6 tỷ, SSI +23,1 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn