Cổ phiếu EVF liên tục bứt phá và lọt rổ ETF, EVN Finance đang kinh doanh ra sao?
Cổ phiếu Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance - Mã: EVF) kết phiên 1/3 tại 19.250 đồng/cp, tăng 20% kể từ đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 9,4 triệu cp, cao nhất 35,4 triệu cp vào phiên 23/2. Vốn hóa hiện gần 13.557 tỷ đồng.
Tính trong 12 tháng gần nhất, EVF đã tăng giá 162% (gấp 2,6 lần). Khối lượng giao dịch bắt đầu tăng lên hàng triệu đơn vị kể từ cuối tháng 10/2023 đến nay. Cùng với giá và thanh khoản đi lên, mã này vừa được thêm vào rổ FTSE Vietnam Index - chỉ số tham chiếu của FTSE ETF - tại đợt cơ cấu quý I.
EVN Finance được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỷ đồng. Sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ hiện đạt 7.042 tỷ đồng. Năm 2018, cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM và đến tháng 1/2022 niêm yết sàn HOSE.
Số lượng cổ phiếu lưu hành là hơn 704 triệu cp. Sau đợt phát hành tăng vốn vào kết thúc tháng 11/2023, cơ cấu sở hữu chủ yếu là tổ chức trong nước (19,9% vốn), cá nhân trong nước (79,7% vốn), còn cổ đông nước ngoài chỉ 0,4% vốn. Công ty không có cổ đông lớn.
EVN Finance hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm huy động vốn; cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá… Bên cạnh Hội sở chính tại Hà Nội, công ty có 2 chi nhánh TP HCM và Đà Nẵng. Khách hàng chủ yếu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các thành viên EVN.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 3 năm gần nhất đạt bình quân khoảng 800 tỷ đồng và 340 tỷ đồng. Trong 2023, doanh thu ghi nhận 709 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, giảm lần lượt 23% và 10% so với thực hiện 2022. Tổng tài sản tăng 17% sau 1 năm, đạt 49.221 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 đạt 1,08%, thấp hơn 1,64% của cuối 2022.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo đánh giá tổng quan giai đoạn vừa qua, ảnh hưởng COVID-19, kinh tế trong và ngoại nước chậm lại, công ty đối mặt với những thách thức để vừa tăng trưởng tín dụng, vừa phải kiểm soát chất lượng tài sản. Ngoài ra, hoạt động tín dụng của EVN Finance gặp nhiều khó khăn hơn ngân hàng thường mại do khách hàng không mở được tài khoản thanh toán.
Năm 2024, công ty dự định tìm kiếm, phát triển quan hệ với các nhà đầu tư chiến lược, tăng năng lực nguồn vốn chủ sở hữu. Ban lãnh đạo cũng xây dựng lộ trình, chính sách liên quan đến tích hợp các yếu tố phát triển bền vững ESG vào hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu tổng tài sản năm 2024 đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 10% so với 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 585 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện 2023.
Mối quan hệ giữa EVN Finance, Quản lý quỹ Amber và Chứng khoán Nhất Việt
Ở quan sát khác, EVN Finance có mối quan hệ mật thiết với Quản lý quỹ Amber (Amber Capital) và Chứng khoán Nhất Việt (VFS).
Amber Capital Holdings (sở hữu Amber Capital) và EVN Finance đều đang là cổ đông lớn tại Chứng khoán Nhất Việt. Thực chất, Chứng khoán Nhất Việt vốn là thành viên Ambar Capital Holdings, được tập đoàn mua lại từ 2017.
Ông Lê Mạnh Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Amber Capital, đồng thời là Thành viên HĐQT của EVN Finance. Ngoài ra, EVN Finance kết hợp với một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Amber là Amber Fintech trong việc phát triển Fast Money - dịch vụ cho vay tiêu dùng thông qua các nền tảng trực tuyến như MoMo, My Viettel...
Xem thêm tại vietnambiz.vn