Cổ phiếu FPT là tâm điểm bán ròng của khối ngoại với giá trị 249 tỷ đồng
Nhìn lại tuần giao dịch vừa qua (từ ngày 24-28/6), trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 118,78 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 4.447,98 tỷ đồng, giảm 16,27% về lượng và 8,97% về giá trị so với tuần trước đó (từ ngày 17-21/6 bán ròng 4.886,15 tỷ đồng).
Tổng cộng cả tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 436,69 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt gần 16.820 tỷ đồng, chỉ thua tháng kỷ lục vừa được thiết lập vào tháng 5 khi bán ròng 19.040 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu FPT tiếp tục bị bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 6 khi đứng ở vị trí thứ 2 với khối lượng hơn 11 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.461,84 tỷ đồng. Trong tuần trước đó, cổ phiếu FPT bị bán ròng 1.127,2 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt hơn 8,5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FPT liên tục bị khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian qua. |
Có thể thấy, cổ phiếu FPT trở thành mã bị khối ngoại xả nhiều nhất trong làn sóng bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán Việt Nam bất chấp cả thời điểm VN-Index vượt đỉnh 1.300 điểm.
Tính từ tháng 4 đến phiên 21/6, thị giá FPT đã tăng hơn 40% từ 93.000 đồng/cp lên 136.100 đồng/cp trước khi quay đầu giảm về mức 128.600 đồng/cp (chốt phiên 1/7). So với thời điểm đầu năm 2024, thị giá FPT tăng khoảng 60%. Tính từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng trưởng xấp xỉ 100% từ vùng 71.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường tương ứng xấp xỉ 190.000 tỷ đồng, nhờ đó FPT trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, hiện tại chỉ kém 4 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.
Trong nhóm công nghệ, cổ phiếu FPT xem là “cỗ máy tăng trưởng” nhờ được hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn ở mức cao hàng năm. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.
Do đó, cổ phiếu FPT nên luôn là cổ phiếu yêu thích cho các quỹ cũng như khối ngoại. Vì vậy việc khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu này cũng khiến thị trường chú ý.
Không loại trừ khả năng khối ngoại đang có động thái chốt lời sau khi giá đã tăng đúng kỳ vọng khi cổ phiếu không ngừng bứt phá trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán Mỹ nhóm cổ phiếu công nghệ trước đó cũng bán mạnh dù có độ trễ nhưng vẫn ảnh hưởng tâm lý nhất định lên chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, cổ phiếu FPT bị bán mạnh trong bối cảnh thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi lực bán ròng của khối ngoại (chỉ tính riêng trên sàn HoSE) liên tục xu hướng tăng cao.
Theo nhận định của SBS, mặc dù triển vọng kinh doanh của FPT là tích cực tuy nhiên do giá cổ phiếu cũng đã tăng trưởng khá nóng trong thời gian qua do đó thị giá ở thời điểm hiện tại khá sát với mức định giá của nhóm phân tích nên công ty chứng khoán này khuyến nghị FPT ở mức trung lập đối với quan điểm đầu tư dài hạn.
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn