Cổ phiếu FPT lập đỉnh 132.000 đồng, 1 ngân hàng bỏ lỡ cả nghìn tỷ đồng vì ‘nhanh chân’ chốt lời sớm
Macquarie Bank Limited từng là cổ đông lớn của Tập đoàn FPT (FPT) vào năm 2020 khi sở hữu hơn 42 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.
Tuy nhiên đến ngày 8/1/2021, Macquarie Bank Limited bán hơn 3,3 triệu cổ phiếu FPT để giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,15% xuống còn 4,73% và không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này.
Thời điểm đó, giá cổ phiếu FPT dao động quanh giá 63.000 đồng/cp, tạm tính số tiền Macquarie Bank thu về khoảng 210 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý rằng, cổ phiếu FPT lúc đó ‘kín room’ ngoại nên thường được thỏa thuận cộng thêm một mức chênh cao hơn thị giá.
Sau hơn 3 năm Macquarie Bank bán ra, giá cổ phiếu công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam lại tăng gấp đôi. Tính riêng việc bán ra hơn 3,3 triệu cổ phiếu ở thị giá lúc bấy giờ so với thị giá của FPT hiện tại chênh lệch 226 tỷ đồng.
Sau khi không còn là cổ đông lớn, giao dịch của Macquarie Bank với cổ phiếu FPT khá kín tiếng tuy nhiên theo BCTN của FPT, tỷ lệ sở hữu của Macquarie Bank tại FPT đã giảm từ 5,15% xuống còn 1,39% từ ngày 8/1/2021 đến 31/12/2023. Như vậy, Macquarie Bank đã bán ra 19,6 triệu cổ phiếu FPT trong giai đoạn này.
Giả sử, Macquarie Bank Limited bán được 19,6 triệu cổ phiếu với mức giá cao nhất trong giai đoạn trên thì so với thị giá hiện tại của FPT, nhà băng này vẫn bị "thiệt" hơn 593 tỷ đồng. Nếu tính cả lần thoái vốn đầu tiên, Macquarie Bank đã bỏ lỡ khoảng 819 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu đô la Mỹ).
Trong trường hợp ko bán được với mức giá cao nhất như giả thuyết trên, Macquarie Bank còn có thể đã "bỏ lỡ" đến cả nghìn tỷ đồng vì chốt lời sớm FPT.
Theo báo cáo cập nhật thị trường quỹ đầu tư của IPA Asset Management (IPAAM), tính đến hết quý I/2024, FPT tiếp tục là cổ phiếu được các quỹ mở nắm giữ nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 1.967 tỷ đồng, chiếm 12,89% tổng danh mục đầu tư, vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu FPT đã bất chấp diễn biến thị trường ghi nhận mức tăng hơn 40%. Giá trị vốn hóa cũng theo đó lập kỷ lục gần 167.000 tỷ đồng ( gần 7 tỷ USD), gấp đôi so với một năm trước, qua đó đưa FPT vào top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường.
Động lực thúc đẩy cổ phiếu FPT đi lên bền bỉ đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, duy trì trong thời gian dài. Kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, FPT liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.
Quý I/2024, FPT ghi nhận doanh thu 14.093 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.534 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo sát kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4%, EPS (Earning Per Share) đạt 1.416 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,7% so với năm trước.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn