Cổ phiếu FPT, MWG, PNJ mất phong độ, bộ chỉ số kim cương thua xa VN-Index
Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2025 có nhiều tín hiệu khởi sắc khi dòng tiền luân phiên kéo các nhóm cổ phiếu đưa VN-Index vượt 1.300 điểm. Mặc dù chững lại trong 2 tuần gần đây nhưng chỉ số vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 4% từ đầu năm. Ở tình thế trái ngược, VNDiamond lại giảm hơn 5% từ đầu năm, chủ yếu do ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh 2 tuần qua.

VNDiamond hay còn được biết đến với tên gọi bộ chỉ số “kim cương”, là một trong những chỉ số chứng khoán đáng chú ý nhất thị trường. Chỉ số này từng có nhiều giai đoạn cho thấy sự vượt trội so với VN-Index. Thực tế, VNDiamond vẫn đang neo gần vùng đỉnh lịch sử trong khi VN-Index còn cách rất xa mức cao nhất từng chạm đến.
Trong cấu phần của bộ chỉ số VNDiamond, cổ phiếu ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất khảng 40%. Con số này cũng tương đương với VN-Index. Vì thế, sự khác biệt về mặt hiệu suất phụ thuộc rất nhiều vào các cổ phiếu như FPT, MWG hay PNJ. Đây là những viên kim cương cơ lớn trong VNDiamond nhưng tỷ trọng khiêm tốn trong VN-Index.

Hiệu suất của VNDiamond thua xa VN-Index chủ yếu do FPT, MWG, PNJ đánh mất phong độ thời gian qua. Trong đó, FPT đang làm tâm điểm chú ý thời gian gần đây khi liên tục giảm mạnh trước áp lực từ cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước. Từ đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 1, thị giá FPT đã mất 20% và đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2024.
PNJ thậm chí còn đang ở đáy 1 năm sau khi giảm gần 16% từ đầu 2025. Sự thiếu hụt nguồn cung, những vấn đề của thị trường vàng, nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu hồi phục chậm ảnh hưởng đến “đại gia” bán vàng, trang sức này. Trong khi đó, MWG lại trồi sụt thất thường từ đầu năm, với hiệu suất gần như đi ngang.
VNDiamond sẽ cơ cấu ra sao trong kỳ quý 2/2025?
Ngày 21/4 tới đây, VNDiamond sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục cho kỳ quý 2/2025. Đến ngày 2/5, các quỹ ETF tham chiếu những bộ chỉ số trên hoàn thành cơ cấu danh mục. Theo báo cáo mới đây (dư liệu tính đến 20/3), Chứng khoán BIDV (BSC) dự phóng cổ phiếu CTD có thể vào rổ lần đầu do đã thỏa mãn các điều kiện của bộ chỉ số; chiều ngược lại mã VRE có thể bị loại khỏi bộ chỉ số do không thỏa mãn điều kiện FOL.
BSC cũng lưu ý cổ phiếu VIB có thể vào rổ chờ loại ra do không đáp ứng tiêu chí về FOL. Hệ số FOL – tính bình quân của 12 tháng của cổ phiếu ngân hàng này nhỏ hơn ngưỡng quy định 65% do VIB đã áp dụng room ngoại tối đa là 4,99% kể từ ngày 01/07/2024 sau khi cổ đông Commonwealth Bank of Australia thôi làm cổ đông lớn.
VNDiamond được HoSE công bố lần đầu tiên vào ngày 18/11/2019. Theo quy tắc, bộ chỉ số sẽ có khoảng từ 10 - 20 cổ phiếu thành phần và hiện đang phản ánh biến động 18 mã. Các cổ phiếu trong VNDiamond sẽ không giữ nguyên theo thời gian mà sẽ biến động liên tục, những cổ phiếu nào không thoả mãn điều kiện đều có thể bị loại, dù đó có là cổ phiếu của công ty lớn.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa VNDiamond và các chỉ số khác đến từ yếu tố hệ số FOL (Foreign Ownership Limit). Đây là hệ số phản ánh tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài so với tỷ lệ giới hạn nắm giữ cổ phiếu của họ. Cổ phiếu có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% sẽ được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa với nhà đầu tư nước ngoài bởi thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít cổ phiếu chất lượng nhưng khó tiếp cận bởi giới hạn room ngoại. Thay vì buộc lòng phải thỏa thuận ngoài sàn kèm khoản premium lớn đến hàng chục %, khối ngoại hoàn toàn có thể sở hữu gián tiếp các cổ phiếu “kín room” thông qua mua vào chứng chỉ quỹ ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4 quỹ ETF với quy mô hơn 12.000 tỷ đồng, đang sử dụng VNDiamond làm chỉ số tham chiếu, gồm DCVFM VNDIAMOND ETF (11.500 tỷ), MAFM VNDIAMOND ETF (500 tỷ), ETF BVFVN DIAMOND (51 tỷ) và ETF KIM GROWTH VN DIAMOND (100 tỷ).
Xem thêm tại cafef.vn