Sau phiên sáng khá ảm đạm và thận trọng và VN-Index chỉ duy trì được đà tăng nhẹ nhờ nhóm Vingroup làm trụ đỡ, thị trường bước vào phiên chiều đã chịu áp lực bán gia tăng, dù không quá mạnh nhưng cũng đủ khiến chỉ số đảo chiều về dưới tham chiếu.
Bảng điện tử lúc này với số mã giảm mở rộng nhanh, trong khi các cổ phiếu nhà Vingroup cũng hạ độ cao đã khiến VN-Index về dưới mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, cũng như phiên hôm qua khi mốc điểm này trở thành điểm hỗ trợ mạnh và chỉ số thêm một nhịp bật lên. Dù vậy, ngưỡng điểm trên không thể được giữ vững trong phiên ATC.
Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 285 mã giảm, VN-Index giảm 7,59 điểm (-0,59%), xuống 1.268,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 665,6 triệu đơn vị, giá trị 16.585,3 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% về khối lượng và hơn 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,1 triệu đơn vị, giá trị 1.764 tỷ đồng.
Như đã đề cập, các cổ phiếu nhà Vingroup hạ nhiệt, với VHM chỉ còn +2,94% lên 43.750 đồng, VIC +2,4% lên 45.050 đồng, thậm chí VRE còn lùi về tham chiếu tại 19.700 đồng.
Các bluechip khác với chỉ còn VNM tăng điểm nhẹ +0,5%, trong khi BVH, SHB, SSB cũng đứng tham chiếu. Còn lại chìm trong sắc đỏ, nhưng cũng không cổ phiếu nào giảm sâu, với GVR giảm mạnh nhất cũng chỉ mất hơn 2,3% xuống 33.900 đồng, các mã VCB, VPB, POW, MSN, STB, MWG, MBB, FPT, PLX giảm 1% đến 2%.
Các mã vừa và nhỏ không quá nhiều khác biệt so với cuối phiên sáng, khi đa số hoạt động kém.
Ngoại trừ hai cổ phiếu HNG và HBC “rực rỡ”, trong ngày mà cả hai cổ phiếu này có phiên giao dịch cuối cùng chào “tạm biệt” sàn HOSE, sau khi nhận thông báo hủy niêm yết kể từ ngày 06/9/2024, chấm dứt hành trình gần 10 năm niêm yết đối với HNG và HBC là 17 năm.
Theo đó, cổ phiếu HNG đã tăng kịch trần +6,9% lên 4.680 đồng, khớp lệnh hơn 7,66 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 3,1 triệu đơn vị.
Trong khi cổ phiếu HBC dù không có được sắc tím, cũng đã tăng mạnh lên mức cao nhất ngày +5,5% lên 5.750 đồng, khớp lệnh có hơn 2,92 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, một số cái tên bị bán khá mạnh, nhưng thanh khoản cũng không quá lớn, với SAV giảm sàn -7% xuống 23.350 đồng, khớp 0,22 triệu đơn vị; SGR -5,4% xuống 37.000 đồng, khớp 0,81 triệu đơn vị; NAF -4,4% xuống 20.050 đồng, khớp 0,61 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều về dưới tham chiếu, trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 62 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 1,18 điểm (-0,50%), xuống 234,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,9 triệu đơn vị, giá trị 866,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,86 triệu đơn vị, giá trị 126,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn hoặc thanh khoản cao nhất sàn, chỉ còn TIG tăng nhẹ, VTZ +4,2% lên 14.800 đồng và C69 tăng trần +9,6% lên 8.000 đồng.
Trong khi SHS, MBS, VFS, APS, đều là những cổ phiếu công ty chứng khoán đứng tham chiếu khi kết phiên.
Còn lại chìm trong sắc đỏ, dù đa số mức giảm cũng chỉ trên dưới 1% như CEO, PVS, IDC, BVS, HUT, IDJ, các mã TNG, LAS, API, AAV mất 2-3%.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự khi UpCoM-Index lùi về dưới tham chiếu và có nhịp hồi phục, thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,30%), xuống 93,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,3 triệu đơn vị, giá trị 495,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,1 triệu đơn vị, giá trị gần 79 tỷ đồng.
Các cổ phiếu đáng chú ý không nhiều, với KVC tăng gần 7% lên 1.600 đồng, VLB nhích hơn 5% lên 38.100 đồng, VAB tăng 4,5% lên 9.300 đồng.
Hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất, đều thuộc nhóm ngành dầu khí là BSR và OIL đều giảm. Trong đó, BSR -1,3% xuống 23.100 đồng, khớp 7,48 triệu đơn vị và OIL -3,4% xuống 14.100 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2409 giảm 6,3 điểm, tương đương -0,48% xuống 1.307,7 điểm, khớp lệnh hơn 168.100 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.700 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVHM2313 đột biến thanh khoản với hơn 6,6 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ có giá tham chiếu tại 60 đồng/cq. Theo sau là CVHM2404 với gần 3,2 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 26% lên 1.450 đồng/cq.