Cổ phiếu Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) ‘bốc đầu’ tăng 40% sau 5 phiên trần được kỳ vọng điều gì?
Trong phiên sáng 10/7, cổ phiếu CSV của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam tiếp tục nối dài đà tăng 6 phiên trần liên tiếp lên mức 41.150 đồng/cp - vượt đỉnh lịch sử.
Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, cổ phiếu hóa chất này bất ngờ quay đầu và chỉ ghi nhận mức tăng khoảng 1,5% so với giá mở cửa. Qua đó ghi nhận mức tăng 40% chỉ sau một tuần.
Việc cổ phiếu liên tục ‘leo dốc’ đã giúp vốn hóa của doanh nghiệp đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với đầu năm.
Giá cổ phiếu CSV tăng mạnh trong thời gian gần đây |
Cổ phiếu CSV được kỳ vọng điều gì?
Đà tăng ấn tượng của cổ phiếu CSV diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp chốt ngày 2/7 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức là 25% bằng tiền (sở hữu một cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Bên cạnh đó, CSV cũng sẽ phát hành hơn 66 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 150% (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới).
Ngoài thông tin cổ tức, động lực thúc đẩy đà tăng mạnh của cổ phiếu CSV nhiều khả năng được thúc đẩy nhờ kỳ vọng thị trường xút thế giới tạo đáy và sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi nhu cầu quay trở lại.
Báo cáo mới nhất của Chứng khoán DSC cho biết, mặc dù xút là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp và thực phẩm Việt Nam, tuy nhiên công suất sản xuất nội địa vẫn chưa thể đáp ứng 50% nhu sử dụng xút.
Nguyên nhân của việc này đến từ nguồn cung muối công nghiệp của nước ta không đáp ứng được về chất lượng và biến động mạnh theo mùa, dẫn tới việc phải nhập khẩu gần như toàn bộ. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất xút hiện không có đủ nguồn lực để giải quyết khí clo dư thừa khiến các nhà sản xuất khó hoạt động hết công suất.
Do việc giải quyết hai vấn đề này cần nguồn lực đầu tư lớn trong thời gian dài, DSC nhận định rằng thị trường xút sẽ còn thiếu hụt đến ít nhất năm 2030.
Nguồn cung xút không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện tại (Nguồn: DSC) |
Đồng quan điểm, theo đánh giá mới đây của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), thị trường xút – clo toàn cầu kỳ vọng sẽ đảo chiều đi lên trong năm 2024 khi chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn đang đi vào giai đoạn cuối và lãi suất dần hạ nhiệt, các ngành sản xuất công nghiệp trên thế giới dần hồi phục. Vinachem kỳ vọng rằng, xút – clo là những nguyên liệu cơ bản và thiết yếu của xã hội, do đó, các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu thụ xút-clo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong suốt thời gian của chu kỳ đi lên.
Mảng xút - clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của CSV. Các sản phẩm xút của doanh nghiệp này có cơ cấu đa dạng như xút 25%, 32%, 40%, 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.
Đáng chú ý, CSV là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay, chiếm 20% tổng công suất xút - clo cả nước. So với các đối thủ khác thì doanh nghiệp này đang có lợi thế về định mức tiêu hao 2 nguyên nhiên liệu đầu vào chính - muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).
Các khách hàng chính của Hoá chất Cơ bản miền Nam là các doanh nghiệp lớn mảng tiêu dùng như Unilever, P&G, NET, LIX, Ajinomoto, SABECO, Pinaco... nên hoạt động tiêu thụ xút của doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục, giúp gia tăng việc tiêu thụ các nguyên liệu đầu vào.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn