Cổ phiếu hóa chất giặt tẩy đang mất lợi thế?
Chứng khoán Rồng Việt vừa có cập nhật triển vọng ngành hoá chất giặt tẩy Việt Nam với điểm nhấn các doanh nghiệp nội địa mất lợi thế ngay trên sân nhà.
Tương tự các sản phẩm FMCGs khác ở Việt Nam, thị trường hóa chất giặt tẩy gồm bột/nước giặt và xả đã bước vào pha bão hòa với tăng trưởng một chữ số chủ yếu dẫn dắt bởi sản phẩm nước xả theo sự thăng tiến trong tháp nhu cầu của người tiêu dùng: giặt sạch và giữ thơm quần áo và yếu tố giá liên quan đến cả lạm phát và xu hướng cao cấp hóa sản phẩm.
Điều này đến từ tỷ lệ tiêu thụ bột/nước giặt/xả trên đầu người tại Việt Nam đạt đến mức giới hạn (~0,2-0,3% thu nhập) và tăng trưởng dân số Việt Nam ở mức thấp, ~0,7%/năm.
Trong 10 năm qua, với vị thế quá lớn của Unilever, P&G, các doanh nghiệp nội địa thường chọn chiến lược cạnh tranh về giá, tránh va chạm trực tiếp với ông lớn này như chọn thị trường mục tiêu là ở nông thôn/thị trường xuất khẩu cấp thấp (Campuchia, Phillipines, Đài Loan…) với định vị giá thấp để cạnh tranh trong nước (LIX, NET, Vì dân), thực hiện gia công cho chính các
Tập đoàn đa quốc gia (NET, LIX) hay tận dụng hệ thống bán lẻ lớn để tạo ưu tiên trên kệ hàng cho sản phẩm của mình, cụ thể MSN sử dụng hệ thống Winmart lan tỏa nhận diện cho thương hiệu NET, và gần nhất là Chante’.
Tuy nhiên hầu hết đều chưa có khả năng gia tăng thị phần đáng kể nhiều năm qua Trường hợp duy nhất chọn đối đầu trực tiếp với Unilever và có thành công nhất định là Aba với trên 10% thị phần.
Vào năm 2012, nhãn hiệu bột giặt Aba (Đại Việt Hương) xuất hiện và tạo chiến lược cạnh tranh táo bạo, đối đầu trực tiếp với OMO ở phân khúc giá cao thay vì định vị giá thấp như các nhãn hiệu nội địa khác (LIX, NET, Vì dân). Tuy nhiên, Aba không chọn thành thị mà chọn thị trường “dễ thay đổi” là đồng bằng sông Cửu Long làm đại bản doanh tung hàng.
Aba đã có sự khởi đầu khá ấn tượng, từng bước chiếm được cảm tình người tiêu dùng với bao bì, chất lượng sản phẩm khuyến mãi… khá tốt. Tuy nhiên, sau thời gian thành công, Aba cũng đang ghi nhận sự sụt giảm dần thị phần các năm qua khi không có tiềm lực tài chính mạnh để duy trì chiết khấu (từng có thời điểm chiết khấu 15-20% so với mức 10% của OMO), chiến lược quảng cáo rầm rộ… như các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra, việc lấn sân của các doanh nghiệp nội địa sang các lĩnh vực hóa chất chăm sóc gia đình, cá nhân khác cũng chưa có nhiều khả quan do năng lực và nguồn vốn dành cho hoạt động nghiên cứu R&D/quảng cáo sản phẩm mới như kem đánh răng, dầu gội/xả, nước rửa chén, nước xịt khử mùi toàn thân… chưa thể so sánh với các Tập đoàn nước ngoài lớn, hàm ý cho rào cản cao của ngành này tại Việt Nam.
Theo VDSC, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hoạt động trong ngành hóa chất giặt tẩy như MCH (bột giặt NET, Chante’), LIX (bột giặt LIX), chưa có nhiều chuyển biến trong thị phần các năm qua chủ yếu dưới 5% trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các Tập đoàn ngoại. Đi kèm tăng trưởng ngành ổn định 1 chữ số, triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn còn nhiều thách thức trong trung hạn.
Với thách thức lớn từ bối cảnh ngành và dư địa mở rộng thị phần nhỏ, cả LIX, NET đều không còn là khoản đầu tư hấp dẫn khi mức định giá P/E hiện nay, 9,7x cho LIX và 9,4x cho NET, cao hơn trung bình ngành 10 năm của cả hai doanh nghiệp là 7,1x cho LIX và 7,0x cho NET.
Điểm lưu ý nằm ở chiến lược chia cổ tức, tỷ suất cổ tức của Công ty trên 6,0%/năm đang có xu hướng cao hơn lãi suất tiền gửi (5,0%/năm) trong 8 năm gần đây. Các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư cổ tức cần theo dõi tính nhất quán của tỷ lệ này các năm sau để cân nhắc đầu tư tích luỹ hưởng cổ tức đều hàng năm, VDSC khuyến nghị.
Xem thêm tại vneconomy.vn