Cổ phiếu Masan thỏa thuận “khủng”, dòng ngân hàng kéo lại sắc xanh cho VN-Index
VN-Index kết phiên 30/10 ở mức 1.258,63 điểm, tương ứng giảm 0,25% so với phiên trước, khối lượng giao dịch cũng giảm 3,18% và bằng 75% mức trung bình. Dòng tiền ngắn hạn chỉ gia tăng khi giá giảm mạnh và không tăng thêm khi phục hồi. Tổng vốn hóa thị trường hiện tại ở mức khoảng 292 tỷ USD và bằng 63% GDP 2024.
Sau phiên giảm hôm qua, phiên giao dịch ngày 31/10 mở đầu với diễn biến tương tự các phiên trước khi mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực rung lắc vào cuối giờ sáng. Tuy nhiên, diễn biến tích cực xuất hiện vào phiên chiều khi lực cầu dâng cao ở một số cổ phiếu đặc biệt là nhóm VN30 đã giúp các chỉ số hồi phục tốt.
Tâm điểm của phiên hôm nay tập trung vào cổ phiếu Masan (MSN). Thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận ”khủng” với gần 76,4 triệu cổ phiếu MSN sang tay, tương ứng tổng giá trị giao dịch lên đến 5.614 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư nước ngoài, Khối ngoại phiên hôm nay mua vào 61,2 triệu cổ phiếu MSN trong khi bán ra 78,6 triệu cổ phiếu, tương ứng, khối lượng bán ròng là 17,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 1.333 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn chứng khoán.
Việc MSN giảm mạnh ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,55 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như HDB, VRE, TCB… cũng chìm trong sắc đỏ và tác động xấu đến thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các ông lớn ngân hàng đã kéo lại sắc xanh cho thị trường. VCB đóng cửa tăng đến hơn 2% lên 93.600 đồng/cổ phiếu và có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp tới 2,57 điểm tăng. VCB tăng mạnh ngay sau khi có một số tin đồn về việc ngân hàng này chuẩn bị đề án chia cổ tức để xin được chấp thuận vào tháng 11 tới đây. Bên cạnh VCB, các cổ phiếu như CTG, VIC, ACB, STB… cũng tăng giá tốt và củng cố vững sắc xanh của VN-Index. CTG tăng 2,7%, VIC tăng 1,34%, ACB tăng 1,2%. Theo báo cáo tài chính mới được công bố, Tập đoàn Vingroup mang về doanh thu kỷ lục 62.850 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 2.015 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ và cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong 5 năm gần đây.
Các cổ phiếu hàng không cũng có một phiên biến động tích cực. HVN tăng đến hơn 4%, SCS tăng 1,2%, VJC tăng 1%... Tương tự, nhóm vận tải biển cũng ghi nhận nhiều mã tăng giá. PVT tăng 2,2%, VTO tăng 1,7%, HAH tăng 0,34%.
Trong khi sắc xanh được giữ trên hai sàn niêm yết, chỉ số sàn UPCoM-Index giảm điểm do chịu áp lực mạnh từ các mã như VGI, FOX, BSR… Trong đó, VGI giảm 0,7%, FOX giảm 2,1% còn BSR giảm 1,4%. Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Lọc Hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu đạt 31.945 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lên tới 33.415 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 1.470 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tài chính đạt 554 tỷ đồng vẫn không đủ để bù đắp các chi phí, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái BSR lãi tới 3.620 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,85 điểm (0,46%) lên 1.264,48 điểm. Toàn sàn có 199 mã tăng, 169 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,48 điểm (0,21%) lên 226,36 điểm. Toàn sàn có 69 mã tăng, 86 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 92,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 614 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch là 18.054 tỷ đồng, tăng 42% so với phiên trước, tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận chiếm đến 7.082 tỷ đồng. Như vậy, giao dịch khớp lệnh ở phiên hôm nay chỉ đạt gần 11.000 tỷ đồng, giảm 2%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 616 tỷ đồng và 442 tỷ đồng.
Top cổ phiếu khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất |
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.665 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 1.333 tỷ đồng. VHM và STB bị bán ròng lần lượt 205 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VPB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 88 tỷ đồng. CTG được mua ròng 44 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn