Cổ phiếu NAB có gì đáng quan tâm trước khi niêm yết sàn HoSE vào ngày 8/3?

Mục tiêu lợi nhuận 4.000-5.000 tỷ đồng, cố tức 20% bằng cổ phiếu

Tổng số lượng cổ phiếu NAB sẽ niêm yết trên sàn HoSE là hơn 1 tỷ. Như vậy, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chứng khoán niêm yết của Nam A Bank là hơn 10.580 tỷ đồng. Giá tham chiếu như trên và biên độ dao động +/-20%, giá cổ phiếu NAB trong phiên giao dịch đầu tiên sẽ dao động quanh 12.720 - 19.080 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 29/2, cổ phiếu NAB chính thức hủy giao dịch trên sàn UPCoM, giá đóng cửa ngày 28/2 là 16.500 đồng/cổ phiếu. Năm 2023, Nam A Bank là ngân hàng duy nhất được chuyển từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối cùng trước khi chuyển sàn, cổ phiếu Nam A Bank dừng ở mức 16.500 đồng/cổ phiếu, vùng đỉnh lịch sử cao nhất từ trước tới nay.

Nam A Bank cho biết, việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu nhằm đạt được mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu cổ đông. Đến thời điểm hiện tại, Nam A Bank có 53% là cổ đông tốc chức & 47% là nhà đầu tư cá nhân. Do đó, niêm yết trên sàn HOSE, Nam A Bank mong muốn cởi mở, đa dạng hóa hơn cổ đông của ngân hàng, trong đó có cả việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Nam A Bank, sở dĩ đến thời điểm này Nam A Bank mới niêm yết cổ phiếu NAB trên HoSE là do có nhiều yếu tố thuận lợi về mặt thị trường. Trong đó, quá trình chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE là một quá trình chuẩn và cần có sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nam A Bank cũng phải đáp ứng các tiêu chí mềm về triển khai dự án, tư vấn về ESG, Basel... Ngân hàng phải chuẩn bị sẵn sàng các chuẩn mực công bố thông tin, minh bạch, sẵn sàng trở thành tân binh ngân hàng trên sàn HoSE. Đồng thời, Nam A Bank cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn về các tiêu chí mềm như: năng lực đáp ứng các tiêu chí về Basel III và công bố thông tin.

Nguồn: Nam A Bank 

Trước đó, Nam A Bank cho biết, đã hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng năm 2023, vào top 12 ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng tốt nhất và tạo đà phát triển ổn định cho chặng đường mới. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm, gia nhập vào nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Các chỉ tiêu quan trọng khác như: huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Điểm tích cực là NIM tiếp tục ổn định ở mức trên 3,3% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ vào các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Ngân hàng đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, trong bối cảnh không ít ngân hàng không thành thành được chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm qua. Điều này cũng góp phần tạo đà để Nam A Bank vào top 12 ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023.

Về kế hoạch 2024, ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam Á Bank cho hay, mục tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra cho năm nay là 4.000 tỷ đồng trước thuế và năm sau là 5.000 tỷ đồng; duy trì cổ tức ở mức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cũng theo ông Hải, dự phóng giai đoạn 2024-2025, chỉ số an toàn vốn (CAR) của Nam A Bank dao động quanh 10-12%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%, Hệ số NIM trên 3,3%. Tỷ lệ ROA và ROE lần lượt trên 1,4% và trên 19%.

Đồng thời, Nam A Bank đặt mục tiêu năm 2024 tổng tài sản đạt 232,000 tỷ đồng (năm 2025 là 260.000 tỷ đồng), huy động đạt 178.000 tỷ đồng (năm 2025 là 202.000 tỷ đồng), cho vay khách hàng 181.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch tăng vốn, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Dự kiến cuối năm 2024, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ đạt khoảng 13.000 tỷ đồng và mục tiêu cho năm 2025 vốn điều lệ Nam A Bank sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Vì thế, theo ông Võ Hoàng Hải, Nam A Bank sẽ duy trì tỷ lệ cổ tức 20% bằng cổ phiếu tăng vốn, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, cả với tín dụng.

Lợi thế cạnh tranh của Nam A Bank là những gì?

Trong xu hướng tín dụng đi xuống tháng đầu năm của toàn ngành, tăng trưởng dư nợ tín dụng tại Nam A Bank tháng 1/2024 âm khoảng 0,3%, song lãnh đạo nhà băng này cũng cho hay, việc tín dụng tăng trưởng chậm trong quý I/2023 cũng là chuyện bình thường. 

Còn nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Nam A Bank cũng chỉ hơn 200 tỷ đồng, đồng thời để được tái cơ cấu nợ cũng phải đáp ứng các tiêu chí như doanh nghiệp có khả năng hồi phục để sau thời gian tái cơ cấu khả năng trả nợ được cho ngân hàng. Nhưng nếu được gia hạn Thông tư 02 sẽ tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và Nam Á nói riêng

Phó tổng giám đốc Nam A Bank, ông Hà Huy Cường cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ mức tối thiểu đầu năm có thể tăng lên đáng kể và ưu tiên tín dụng vào ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, đối với gói tín dụng cho vay lĩnh vực thủy sản, Nam A Bank sẽ tăng quy mô từ 3.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay bằng USD là 3,3%/năm và bằng VND dao động khoảng 6,8-7%/năm.

Ngân hàng xanh và ngân hàng số là trụ cột Nam A Bank ưu tiên để theo đuổi và dồn toàn lực vào, đưa hai trụ cột này trở thành mũi nhọn cạnh tranh.

"Mặt bằng lãi suất huy động giảm và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp và cá nhân. Do đó, đối với sản phẩm cho vay trọng tâm của ngân hàng sẽ có các gói vay ưu đãi, thấp nhất khoảng 6%/năm", lãnh đạo Nam A Bank nói và cho hay, đây là lãi suất vô cùng ưu đãi đối với ngân hàng trong thời gian những năm trở lại đây. Nhưng đây cũng được xem là áp lực đối với Nam A Bank trong việc tối ưu hóa chi phí huy động vốn, cho dù tỷ lệ CASA của Nam A Bank chưa cao.

Vì thế, việc này đòi hỏi Nam A Bank phải đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tiện ích cho khách hàng…, để từ đó tăng CASA, từ đó tối ưu hóa chi phí vốn, giảm thêm lãi suất cho vay. Chủ trương của NAB là tăng trưởng huy động dưới 6 tháng, gần 1/3 danh mục huy động của Nam A Bank đã chuyển dịch sang dưới 6 tháng, giúp kéo giảm lãi suất đầu vào.

Hệ sinh thái Ngân hàng số của Nam A Bank liên tục được hoàn thiện, tăng cường các tính năng cho khách hàng trải nghiệm liền mạch, nhanh chóng, bảo mật và khác biệt. Việc đi đầu trong chuyển đổi số giúp số lượng khách hàng cá nhân của Nam A Bank tăng mạnh trong những năm gần đây.

Đồng thời cũng là lời giải cho bài toán mở rộng mạng lưới nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí vận hành. Khối lượng và giá trị các giao dịch ngân hàng điện tử của Nam A Bank đã tăng lần lượt là 11,8 lần so với năm 2021. Đến tháng 11/2023 tăng 1,55 lần so với cuối năm 2022. Số lượng khách hàng active tăng trưởng gấp đôi so với năm 2022.

Theo lãnh đạo Nam A Bank, việc giảm lãi suất sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh tế và thanh khoản bất động sản trong thời gian tới. Khi thanh khoản và thị trường tốt lên, lãi suất sẽ không thấp như hiện tại. Nhưng Nam A Bank cố gắng xây dựng gói sản phẩm ưu đãi lãi suất ho khách hàng doanh nghiệp nên chủ trương và định hướng giảm chi phí huy động vốn.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư tại buổi tọa đàm "Triển vọng ngành ngân hàng và thông tin về NAB trước thềm chào sàn HoSE" về lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Nam A Bank so với các ngân hàng khi niêm yết trên HoSE, ông Hà Huy Cường cho hay, ngân hàng xanh và ngân hàng số là trụ cột Nam A Bank ưu tiên để theo đuổi và dồn toàn lực vào, đưa hai trụ cột này trở thành mũi nhọn cạnh tranh. Theo ông Cường, đây là lợi thế cạnh tranh của Nam A Bank hiện nay và trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, 3 trụ cột Nam A Bank đang hướng tới để xây dựng ngân hàng xanh. Đầu tiên là xây dựng nguồn vốn xanh với việc bắt tay với các định chế quốc tế. Thứ hai là tín dụng xanh. Trong chiến lược 2024, danh mục khẩu vị rủi ro đối với phát triển xanh ưu tiên tốc độ tăng trưởng cao nhất. Thứ ba là vận hành xanh. Ngân hàng sẽ chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng sản phẩm mang tính chuẩn mực, tối ưu hóa phát thải carbon.

Thêm vào đó, hiện Nam A Bank cũng chưa ký độc quyền phân phối bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm nào. Theo Nam A Bank, trước đây, Ngân hàng đã hợp tác với FWD, nhưng sau đó đã chấm dứt. Do đó, hiện Nam A Bank đang xem xét và đàm phán với một số đối tác là công ty bảo hiểm nhân thọ để đi cùng, nhưng đến thời điểm này ngân hàng chưa có quyết định cuối cùng từ HĐQT, Ban tổng giám đốc nên chưa thể tiết lộ. 

Nhận định về thị trường chứng khoán nói chung và cổi phiếu chuyển sàn nói riêng, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), khi so sánh với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng như triển vọng của thị trường thì cho thấy, khả năng VN-Index còn tiếp tục tăng.

Trong đó, riêng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng niêm yết chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên sàn. Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngành này chiếm xấp xỉ phân nữa vốn hóa của thị trường và đã có mức tăng trưởng 20-30% từ đầu năm 2024 đến nay.

Nhưng do các mã ngân hàng niêm yết chiếm 60% tổng lợi nhuận của ngành ngân hàng nên cơ hội đối với nhóm cổ phiếu "vua" được ông Long dự báo, còn triển vọng.

Đồng thời, với câu chuyện chuyển sàn đã có không ít cổ phiếu chuyển sàn đã thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, nhất là đối với những doanh nghiệp có sự tăng trưởng đáng kể về mô hình kinh tăng trưởng phù hợp. 

Xem thêm tại baodautu.vn