Cổ phiếu NAF gấp ba lần từ đáy, Nafoods Group đang kinh doanh ra sao?
Tiếp đà đi lên trong 2023, cổ phiếu của CTCP Nafoods Group (Mã: NAF) đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, thị giá đã tiến 33% so với đầu năm, khả quan hơn nếu so với VN-Index tăng chưa đến 14% trong cùng thời gian.
Riêng phiên 30/8, lực cầu gia tăng từ sau 10h đẩy thị giá lên trần 20.500 đồng/cp từ khoảng 11h và kéo dài đến hết phiên. Đây là mức giá cao nhất trong gần một năm rưỡi (kể giữa tháng 4/2023), vốn hóa thị trường chính thức quay lại mốc 1.000 tỷ đồng (đạt 1.037 tỷ đồng).
Mức giá hiện tại gấp 3 lần so với đáy vào giữa tháng 11/2022, nhưng còn thấp hơn 38% đỉnh lịch sử gần 33.000 đồng/cp lập tháng 8/2021 (các mức giá đã điều chỉnh).
Trong phiên kết thúc tháng 8, tình trạng trắng bên bán xuyên suốt từ khi đạt trần vào nửa cuối phiên sáng. Thanh khoản khớp lệnh cả phiên đạt hơn 668.000 cp, trong đó giá trần chiếm 45%. Mức thanh khoản này gấp 4 lần bình quân qua một quý.
Diễn biến đi lên của cổ phiếu song hành với kết quả kinh doanh ổn định. Đây là doanh nghiệp chuyên mua bán thực phẩm, với sản phẩm chính là nước ép hoa quả, rau củ đông lạnh, giống cây trồng. Năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận 1.733 tỷ đồng, giảm 2% so với 2022. Biên lãi gộp cải thiện giúp lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng 38% lên 110 tỷ đồng.
Qua nửa đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 752 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu là mũi nhọn trong cơ cấu doanh thu, chiếm gần 90%.
Giống 2023, doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gộp vẫn tăng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 64 tỷ đồng, chỉ tăng 4% do tăng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty có khoản lợi nhuận khác do hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư.
So với kế hoạch đề ra năm 2024, công ty đã thực hiện 30% về doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 275 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại cuối tháng 6 đạt gần 2.200 tỷ đồng, với 70% là khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản cố định. Bên kia bảng cân đối kế toán, vay và nợ thuê tài chính (chủ yếu là vay ngắn hạn) đang ghi nhận khoảng 900 tỷ đồng, tương đương gần 90% so với vốn chủ sở hữu.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy đây là đơn vị chi trả đáng kể cho lãnh đạo. Cụ thể, tổng thù lao hội đồng quản trị (HĐQT), lương ban tổng giám đốc năm 2022 là 5,3 tỷ đồng chia cho 9 cá nhân. Con số này qua 2023 giảm 12% về 4,6 tỷ đồng chia cho 7 người.
Nửa đầu năm 2024, Nafoods ghi nhận thù lao HĐQT, ban tổng giám đốc là 2,2 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ 2023, và chia cho 6 cá nhân. Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tiếp tục nhận cao nhất với 1,3 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Điền Thị Lan Phương nhận 600 triệu đồng, Thành viên HĐQT Johan Nyvene nhận 240 triệu đồng...
Về động thái mới nhất, doanh nghiệp ngành thực phẩm thông báo ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu là 11/9. Tỷ lệ thực hiện 10%, tương đương với phát hành hơn 5 triệu cp. Đây là lần trả cổ tức đầu tiên trong khoảng 5 năm, kể từ 2019 (đợt trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%). Khi hoàn tất, vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 556 tỷ đồng.
Mặt khác, công ty cũng dự định mua lại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Mục đích là hoàn lại phần vốn góp của cổ đông ưu đãi hoàn lại phát hành năm 2019.
Khối lượng đăng ký mua lại đợt 1 là 2,7 triệu cp, tương đương với 5,3% vốn điều lệ hiện tại. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 29/8 đến 27/9. Chiếu theo thị giá kết phiên 30/8, lượng cổ phiếu này trị giá khoảng 55 tỷ đồng.
Báo cáo quản trị bán niên 2024 ghi nhận tại 30/6, CEO Nguyễn Mạnh Hùng vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu tỷ lệ 37,4% vốn. Ba người liên quan ông Hùng cũng sở hữu tổng cộng 1% vốn. Chủ tịch Điền Thị Lan Phương và con trai đang sở hữu tổng cộng 1% vốn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn