Cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm khi vốn ngoại chảy vào Việt Nam?

Agriseco vừa cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 với kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong năm 2025 sẽ giúp thị trường chứng khoán thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài lẫn sự quan tâm của dòng tiền trong nước.

Theo Agriseco, trong năm 2024, dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng đổ về Mỹ một cách rõ nét. Các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dowjones, S&P500 đều tăng mạnh và lập đỉnh mới trong năm 2024 với động lực từ nhóm công nghệ. Định giá của các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng liên tục tăng cao và hiện đang ở quanh vùng cao nhất lịch sử. Bởi vậy, dòng vốn đầu tư toàn cầu có thể sẽ không còn nhìn nhận thị trường chứng khoán Mỹ còn nhiều hấp dẫn trong năm 2025 và có thể dịch chuyển sang các thị trường cận biên và mới nổi bao gồm Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên (Frontier Market), và đã đạt được 7/9 tiêu chí của FTSE Russell. Hai tiêu chí cần cải thiện là Xử lý giao dịch thất bại và Chu kỳ thanh toán (DvP).

Trong đó Thông tư 68 đã tháo gỡ vấn đề non-prefunding của nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết được phần nào về chu kỳ thanh toán và quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có đề xuất về việc thành lập cơ quan thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). CCP có vai trò quan trọng, giúp cải thiện rủi ro của thị trường và các giao dịch chứng khoán. Nếu không có CCP, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn.

Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực vào 02/11 vừa qua đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch mà không cần ký quỹ 100% tiền (non Pre-funding). Ước tính, với quy mô vốn hoá thị trường khoảng 5 triệu tỷ đồng, lượng tiền mở ra sau khi tháo gỡ “Pre-funding” khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng.

Các tổ chức đang dự báo Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE trong năm 2025 và có thể được đưa vào chính thức trong nửa cuối năm 2025.

Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến thị trường chứng khoán sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5 – 6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động.

Khi tăng lượng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các công ty chứng khoán quản lý phần lớn tài khoản nước ngoài như SSI, HCM, VCI sẽ được hưởng lợi. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, VHM, FPT, HPG,… sẽ là tâm điểm khi dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Agriseco Research cũng dự phóng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 18-20% so với năm 2024. VN-Index sẽ hướng đến vùng điểm cao nhất khoảng 1.450 điểm vào nửa sau năm 2025 trên cơ sở lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng trong năm 2025 với mức khoảng 18-20%; (2) P/E hợp lý 13-14 lần.

Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen từ cả trong và ngoài nước. Bên ngoài thế giới, các quốc gia tiếp tục quá trình cắt giảm lãi suất tuy nhiên tốc độ hạ lãi suất sẽ chậm dần. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại thời kỳ Trump 2.0 có thể sẽ là những ẩn số của thị trường.

Trong nước lạm phát, tỷ giá có áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; Mặt bằng lãi suất duy trì thấp cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế vẫn sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm 2025. Các chính sách tài khóa, trong đó đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xem thêm tại vneconomy.vn