Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng phiên sáng ngày 10/1: BID xác lập đỉnh mới, thanh khoản SHB cao kỷ lục
Thị trường chứng khoán phiên 10/1 chứng kiến giao dịch bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sắc xanh bao phủ rộng trên hàng loạt cổ phiếu "vua" với nhiều mã tăng rất mạnh đi cùng thanh khoản tăng vọt.
Ghi nhận tại thời điểm 10h50, toàn bộ 17 mã ngân hàng niêm yết trên HoSE và HNX đều giao dịch ở mức giá xanh. Trong đó, BID và SHB là hai mã có diễn biến ấn tượng nhất khi đều tăng trên 3% với khối lượng giao dịch ở mức cao.
Cụ thể, sau khi vượt đỉnh lịch sử vào tuần trước, cổ phiếu BID tiếp tục bứt phá và tiến sát mốc 48.000 đồng/cp. Cổ phiếu này đã nổi sóng từ đầu tháng 11 năm ngoái. Sau khoảng hơn 2 tháng leo dốc, thị giá BID đã tăng gần 33%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 69.000 tỷ lên mức 271.000 tỷ đồng (11 tỷ USD). Con số này giúp BIDV củng cố vững chắc vị trí số 2 về vốn hóa trên sàn chứng khoán, chỉ kém Vietcombank và bỏ xa các tên tuổi phía sau như Vinhomes, PV Gas, Vingroup, Hòa Phát,…
SHB cũng giao dịch sôi động ngay trong đầu phiên sáng. Lực cầu áp đảo đã giúp cổ phiếu này vượt mốc 12.000 đồng với khối lượng giao dịch đến 11h đã đạt gần 56 triệu đơn vị - mức thanh khoản phiên sáng cao kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Ngoài BID và SHB, nhiều mã ngân hàng vốn hóa lớn khác cũng bật tăng mạnh mẽ với khối lượng giao dịch ở mức cao như EIB (+2,4%), VPB (+2%), CTG (+1,8%), TPB (+1,7%), ACB (+1,4%), VCB (+1%).
Tính chung từ đầu tháng 1, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng trên dưới 10%. Trong đó, nhiều mã đã vượt đỉnh hoặc tiệm cận đỉnh lịch sử.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến sôi động kể từ giữa tháng 12 sau một loạt thông tin tích cực về tăng trưởng tín dụng cũng như các chính sách hỗ trợ.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 12/2023 đạt 13,71% so với cuối năm 2022. Trước đó, tính đến ngày 30/11 tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,15%.
Như vậy, chỉ trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 4,56% (tương đương 544.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023. Đây là mức tăng tín dụng tháng 12 cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua và là mức cao nhất lịch sử nếu xét về quy mô.
Đầu năm 2024, NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia thành nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Nói về sự thay đổi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
Về chính sách, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này được đánh giá là ảnh hưởng tích cực tới nhiều ngân hàng khi hỗ trợ khả năng tăng trưởng tín dụng.
NHNN cũng đang xem xét việc gia hạn thời gian triển khai TT02 trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Việc kéo dài thời hạn hiệu lực của thông tư giúp cho quá trình trích lập và xử lý nợ xấu của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính. Từ đó, áp lực suy giảm chất lượng tài sản được giảm bớt trong nửa cuối năm 2024 và 2025.
Xem thêm tại cafef.vn