Cổ phiếu ngân hàng gắng sức kéo, blue-chips vẫn chưa đủ đồng thuận
VN-Index xác lập phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong ngày cuối tuần hoàn toàn dựa vào sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. CTG, BID và TCB đem lại 3,78 điểm trong tổng số 3,72 điểm tăng của VN-Index. Nhóm ngân hàng chiếm 32% tổng giá trị khớp sàn HoSE và blue-chips ngân hàng chiếm 60% giao dịch của rổ VN30 phiên này.
Thị trường hôm nay tăng không có đà mà chỉ yếu là đi ngang biên độ hẹp. Độ rộng lúc chốt phiên của VN-Index ghi nhận 237 mã tăng/212 mã giảm. Diễn biến này một phần vì sự thiếu đồng thuận trong nhóm trụ. Các cổ phiếu ngân hàng cố gắng duy trì sức mạnh nhưng để đột phá thì vẫn còn thiếu.
Nhịp tăng rõ nhất của VN-Index là nửa đầu phiên chiều, chỉ số lên đỉnh khoảng 1h45, tăng 7,9 điểm. Nửa sau thị trường suy yếu và VN-Index trả lại tới một nửa mức tăng này. Diễn biến nói trên gắn liền với biến động của nhóm “đầu tàu” CTG, BID và TCB. Cả 3 cổ phiếu ngân hàng này đều tăng cộng hưởng cùng lúc. CTG đạt đỉnh lúc 1h45, tăng 4,3% và đóng cửa còn +3,29%. BID cũng đạt đỉnh cùng lúc, tăng tối đa 2,51%, kết phiên còn +1,76%. TCB lên đỉnh chậm nhất, khoảng 2h15, tăng 2,38% và đóng cửa còn +2,18%.
Khả năng giữ giá của nhóm trụ đã phần nào bị xói mòn bởi các cổ phiếu blue-chips lớn khác suy yếu. VCB tăng quá nhẹ 0,11%, FPT cả phiên “lệt xệt” với mức giảm 0,27%. HPG giảm 0,56%, VHM giảm 0,13%, GAS giảm 0,44%, VPB giảm 0,52%. Như vậy ngay ở nhóm Top 10 vốn hóa, số mã tăng giảm cũng bằng nhau. Thực ra rổ VN30 có nhỉnh hơn ở phía xanh với 17 mã so với 11 mã đỏ, nhưng vốn hóa mới là yếu tố quan trọng.
Rổ blue-chips này hôm nay tăng thanh khoản khoảng 16,5% so với hôm qua, toàn bộ là đến từ giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng. Mở rộng ra cả sàn HoSE, trong tổng giá trị khớp lệnh tăng 606 tỷ đồng so với hôm qua thì 601 tỷ là đến từ nhóm ngân hàng. Nhóm này cũng xác lập kỷ lục thanh khoản 24 phiên trong ngày hôm nay với 4.022 tỷ đồng. TCB, CTG dẫn đầu thị trường với 679,3 tỷ và 605,1 tỷ. STB, BID, MBB, ACB, VCB, HDB là những cổ phiếu khác giao dịch từ 200 tỷ tới trên 400 tỷ đồng.
Dù vậy nhóm ngân hàng cũng không mạnh đồng đều. Trong toàn bộ 27 mã trên các sàn thì chỉ 14 mã tăng, với 5 mã tăng trên 1%. Ở rổ VN30, HDB, VPB vẫn đỏ. Dù vậy diễn biến hôm nay phần nào phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư khi kết quả kinh doanh có sự phân hóa. Đồng thời việc phân bổ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho năm 2025 cũng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.
Sự phân hóa trong nhóm ngân hàng cũng là đại diện cho sự phân hóa chung trên thị trường cũng như sự kém đồng thuận ở nhóm blue-chips. Độ rộng VN-Index cuối ngày có 237 mã tăng và 212 mã giảm thì trong số tăng 84 mã chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên, đóng góp 20,9% giao dịch sàn HoSE. Ở phía giảm, 56 cổ phiếu giảm quá 1%, chiếm 9,4% thanh khoản sàn. Sức mạnh vẫn đang nhỉnh hơn một chút ở phía tăng giá.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng phân hóa tương tự. Khá nhiều cổ phiếu vẫn rất khỏe như CII tăng 6,64%, TCL tăng 6,88%, BMC tăng 6,83%, QCG tăng 6,75%, HTN tăng 6,7%, VPG tăng 5,98%, LSS tăng 3,77%... Ngược lại, HHV, CSV, CTR, KSB, DPM, PDR… có nhiều phiên đột biến trước đó hôm nay đã quay đầu giảm. Đây là hệ quả của dòng tiền nóng vận động xoay vòng, chốt lời mã này và mua mã khác. Trong điều kiện thị trường chung vẫn ổn định, VN-Index ít biến động thì các giao dịch ngắn hạn vẫn còn dư địa.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng cực mạnh 1.051 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào giao dịch bán ròng thỏa thuận 897,8 tỷ đồng ở MSN. Một số mã khác bị bán khá mạnh là MWG -96,4 tỷ, VCB -88,5 tỷ, DGC -41 tỷ, STB -36,7 tỷ, FRT -35,8 tỷ, GMD -30,4 tỷ, VRE -27,1 tỷ… Phía mua ròng có OCB +136 tỷ, CTG +100 tỷ, TCH +57 tỷ, FPT +54,2 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn