Cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động

Đứng đầu toàn sàn là cổ phiếu MBB của MBBank với thanh khoản đạt hơn 25,1 triệu đơn vị.

MBBank vừa cho biết ngày 7/6/2024, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đã ra quyết định số 645/QĐ- XPHC xử lý vi phạm thuế sau khi kiểm tra MBBank.

Theo cơ quan chức năng, tổng số tiền MBBank nộp thuế và các nghĩa vụ bổ sung năm 2019 là hơn 8,6 tỷ đồng; năm 2020 là hơn 8,9 đồng. Tổng cộng, MBBank phải nộp thêm gần 17,6 tỷ đồng.

Sau khi nhận quyết định, MBBank cho biết đã hoàn thành việc nộp bổ sung thuế gần 17,6 tỷ đồng.

-3418-1718253429.jpg

Trong Top 10 cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất toàn sàn chứng khoán, có tới 4 mã cổ phiếu trong nhóm ngân hàng.

Theo sau sát nút là cổ phiếu TPB của TPBank với tổng khối lượng đạt hơn 23,4 triệu đon vị.

Trong thông báo mới nhất, TPBank cho biết sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%. Ngày đăng ký cuối cùng là 21/6 và ngày thanh toán là 11/7.

TPBank hiện có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên phải chi hơn 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức. Ngoài tiền mặt, TPBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng này sẽ phát hành tối đa 440 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức, theo tỷ lệ 20%.

Đứng thứ 3 toàn sàn là cổ phiếu VPB của VPBank với tổng giá trị giao dịch gần 22,3 triệu đơn vị . Cổ phiếu này đang gây chú ý với thị trường trong những phiên gần đây với thanh khoản sôi động.

Trước đó, trong phiên 12/6, cổ phiếu VPB đã xác lập vùng giá cao nhất từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Theo đó, vốn hoá thị trường của ngân hàng lên hơn 153.000 tỷ đồng.

Đà tăng của VPB được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh. Cụ thể, trong phiên có hơn 69,93 triệu cổ phiếu VPB được sang tay bằng phương thức khớp lệnh, là mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 đến nay. Đây cũng là cổ phiếu đứng đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, nhiều hơn mã đứng sau là VIX gần 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, xét về giá trị, VPB chỉ đạt 1.308 tỷ đồng, vẫn kém FPT với 1.464 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Vietinbank, VPB có 4 động lực hỗ trợ đà tăng giá. Đầu tiên là kết quả tăng trưởng kinh doanh cải thiện trên nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ. Thứ hai là FEcredit có lãi trở lại sau hai năm liên tục thua lỗ với mức lãi kỳ vọng khoảng 1.200 tỷ đồng. Hai yếu tố còn lại là nợ xấu có thể cải thiện về mức dưới 3% trong năm nay và dòng tiền duy trì ổn định giúp cho ngân hàng có thể chủ động chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với kế hoạch kéo dài 5 năm.

Và cuối cùng là cổ phiếu SHB của Sahabank đứng thứ 5 toàn thị trường với tổng khối lượng đạt hơn 13 triệu đơn vị.

Chiều 12/6, Tập đoàn TT - cổ đông lớn của Sahabank đã có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan người nội bộ ngân hàng.

Theo báo cáo, toàn bộ 74,5 triệu cổ phiếu SHB được tập đoàn này đăng ký bán ra trước đó không thực hiện được. Lý do không hoàn tất giao dịch là "không đạt kỳ vọng".

Như vậy TT vẫn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ 9,99% tổng số cổ phần SHB, tương ứng với hơn 361,88 triệu cổ phiếu.

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã chỉ ra 3 động lực tăng trưởng lợi nhuận cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới: tối ưu chi phí vốn, gia tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng chi phí đầu tư cho công nghệ vẫn đang trong chu kỳ tăng mạnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các quy định mới chặt chẽ hơn về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Các chuyên viên phân tích đánh giá lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10% trong năm 2024, tuy nhiên triển vọng sẽ có sự phân hóa.

Dựa trên các yếu tố, VCBS đưa ra gợi ý nhóm cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong dài hạn là các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành, bao gồm: ACB, MBB, MSB, OCB, STB, TCB, TPB, VIB.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn