Cổ phiếu ngân hàng vọt tăng, ACB lên đỉnh sau loạt động thái nới lỏng của NHNN
Cổ phiếu ACB tạo đỉnh mới
Cập nhật đến 10h30 ngày 20/9, đa số các cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng đều ghi nhận kết quả tích cực. Tổng cộng, có 24/27 mã cổ phiếu ngân hàng lên giá trong phiên sáng, 3 mã cổ phiếu còn lại là PGB, KLB và SGB đi ngang.
Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) tiếp tục tiến thêm 3,43%, lên 25.650 đồng/cp, vượt qua mức chốt phiên kỷ lục là 24.910 đồng/cp (đã điều chỉnh) ghi nhận vào cuối tháng 5/2024. Khối lượng giao dịch là hơn 22 triệu đơn vị. Cổ phiếu ACB đã liên tiếp tăng trong 4 phiên gần đây nhất.
Tương tự, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cũng tăng 1,84%, lên 24.850 đồng/cp, với khối lượng giao dịch đạt 15 triệu đơn vị. Cổ phiếu này trước đó đã đi ngang trong phiên 19/9 và tăng điểm vào hai phiên 17 - 18/9. Cổ phiếu MBB cũng đang chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 3%.
Các cổ phiếu của ngân hàng VPBank, TPBank, Techcombank và Sacombank cũng ghi nhận khối lượng giao dịch cao, đều trên 10 triệu đơn vị khi chưa kết thúc phiên sáng. Cổ phiếu VPB đã tăng 0,8%, TPB tăng 0,55%, TCB tăng 1,8% và TCB tăng 1,29%. Đồng thời, cả 4 cổ phiếu trên cũng trải qua chuỗi tăng giá kéo dài nhiều phiên.
Kể từ ngày 17/9, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái nới lỏng thông qua việc hạ lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) từ 4,25%/năm về 4%/năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu đợt tăng giá mới. NHNN đã điều chỉnh lãi suất OMO trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ.
Chốt phiên 19/9, trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng đã phản ứng tích cực sau quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) của Fed. Nhóm tài chính trong S&P 500 đã tăng 1,17%, trong khi cổ phiếu của gã khổng lồ tài chính JPMorgan Chase tăng 1,4%.
Cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi từ động thái của Fed, NHNN
Trong giai đoạn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, NHNN đã liên tục có nhiều động thái mang tính nới lỏng như hạ lãi suất tín phiếu, OMO và ngừng phát hành tín phiếu … Nhà điều hành có thể triển khai những biện pháp trên nhờ việc tỷ giá hạ nhiệt đáng kể trong tháng 8.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho biết việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp nhà điều hành có nhiều dư địa để giảm lãi suất OMO, từ đó hạ lãi suất thị trường và hỗ trợ cho việc giảm lãi suất trong thời gian tới. Ngoài ra, một yếu tố tích cực khác là thanh khoản hiện đang tốt hơn giai đoạn trước.
Ông Huân đánh giá mặc dù ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn từ điều kiện kinh tế chung cũng như tình trạng nợ xấu, nhưng nhìn chung, các động thái của NHNN vừa qua sẽ là yếu hỗ trợ tích cực.
Việc NHNN hạ lãi suất OMO đã nhanh chóng có tác động tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Một số kỳ hạn, lãi suất đã giảm tới hơn 1 điểm % so với đầu tháng 9. Lãi suất liên ngân hàng giảm sẽ ảnh hưởng tích cực tới chi phí vốn của các ngân hàng, nhất là nhóm các nhà băng nhỏ và vừa, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn huy động từ thị trường 2.
Chi phí vốn thấp hơn có thể tạo điều kiện cho biên lãi thuần (NIM) của các nhà băng được mở rộng, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực giảm lãi suất đầu ra theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Xem thêm tại vietnambiz.vn