Cổ phiếu ngành mía đường rục rịch ‘nổi sóng’
Kết phiên sáng 28/6, cổ phiếu nhóm mía đường đều đồng loạt tăng như LSS tăng 4,5% (có thời điểm trần), SBT (+1,7%), QNS (+1,43%), SLS (+1,4%), KTS (+2,6%). Đáng chú ý, cố phiếu SBT đã được khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp trở lại đây.
Nhóm cổ phiếu ‘ngọt’ tăng trở lại sau thời gian dài ‘ngủ sâu’ trong bối cảnh giá đường thế giới đang hồi phục kể từ đầu tháng 6 đến nay.
Theo tìm hiểu, tốc độ sản xuất đường chậm hơn so với dự kiến ở khu vực Trung Nam Brazil (nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới) trong nửa đầu tháng 5/2024 và thời tiết tiếp tục khô hạn cho đến ít nhất giữa tháng 6 này đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng cuối vụ là nhân tố chính khiến giá đường thế giới hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 18 tháng.
Giá đường thế giới tăng trở lại từ đầu tháng 6 đến nay (Nguồn: Thị trường hàng hóa) |
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ Đông Xuân và vào vụ ép mía 2023 - 2024. Diện tích mía thu hoạch ước tăng 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 159.000ha và sản lượng đường các loại tăng 10%, vượt mốc 1 triệu tấn.
Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức gần 2,4 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng lên khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ‘ngọt’ thêm khởi sắc.
Tuy nhiên, theo nhận định mới đây của SSI Research, giá đường thế giới sẽ không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước trong ngắn hạn, do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và phải tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chặt chẽ cũng giúp giảm đáng kể nguồn cung đường nhập lậu từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Mặc khác, SSI Research cũng lưu ý rằng Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu đường để đảm bảo nguồn cung đường trong nước, đồng thời Thái Lan cũng giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu đường.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn