Cổ phiếu ngành thép chịu áp lực xả hàng
Cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) giao dịch suốt phiên hôm nay dưới tham chiếu trước khi bị bán mạnh trong những phút cuối, đóng cửa ở mức 22.850 đồng. Khối lượng khớp lệnh HSG đạt 22,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch gần 520 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng đóng cửa trong sắc đỏ nhưng mức giảm điểm ít hơn. HPG chốt phiên 29/1 tại 28.000 đồng, giảm 1,2% điểm so với giá tham chiếu và khớp lệnh 21,5 triệu cổ phiếu. Phiên giảm hôm nay khiến HPG bị xếp vào nhóm những mã tác động tiêu cực nhất đến diễn biến của VN-Index.
Một số cổ phiếu khác của ngành thép như NKG, POM, TLH đều đảo chiều từ giá tăng trong phiên sáng thành giá giảm khi đóng cửa. Mức giảm dao động 1-3% đi kèm thanh khoản tăng vọt. Điển hình như cổ phiếu của Thép Nam Kim ghi nhận khối lượng khớp lệnh đến 9,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 228 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng một tuần trở lại đây và gần gấp đôi phiên giao dịch liền kề trước đó.
HSG có thể xem là trường hợp khác biệt nhất của nhóm thép trong phiên đầu tuần bởi dù chịu áp lực xả hàng quyết liệt từ nhà đầu tư trong nước nhưng ở phía ngược lại cũng ghi nhận lực cầu mạnh từ khối ngoại. Cụ thể, khối ngoại hôm nay mua hơn 3 triệu cổ phiếu HSG trong khi bán ra chưa đến 1,3 triệu cổ phiếu.
Diễn biến của cổ phiếu ngành thép hôm nay ngược chiều với thị trường chung khi VN-Index dù giằng co mạnh nhưng đến cuối phiên vẫn giữ được sắc xanh. Phiên giảm mạnh của nhóm thép hôm nay diễn ra sau khi những cổ phiếu đầu ngành vừa trải qua tuần tích cực khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý cuối năm, điển hình như HSG tuần trước tích lũy 5% còn HPG cũng tích lũy gần 2%.
Diễn biến một số cổ phiếu ngành thép trong phiên 29/1. |
Trong báo cáo phân tích gần đây, SSI Research cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động, vì vậy cổ phiếu thép thường phù hợp với nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao.
Dù vậy, SSI Research cũng chỉ ra rủi ro đối với cổ phiếu ngành thép chính là nhu cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến do chi phí đầu vào tăng hoặc giá thép sụt giảm.
Liên quan đến triển vọng giai đoạn 2024-2024, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng ngành thép Việt Nam Việt Nam tiếp tục hưởng lợi ở các thị trường mà Nga và Ukraine bị giảm sản lượng, đặc biệt là châu Âu. Bên cạnh đó, các công ty thép trong nước sẽ giảm áp lực cạnh tranh khi các công ty thép lớn trên thế giới ngưng mở rộng các dòng thép cơ bản như thép vằn hay thép hộp. Đầu tư công sẽ đóng vai trò trụ đỡ cho ngành thép trước khi thị trường bất động sản dân dụng phục hồi. Mirae Asset ước tính tổng sản lượng bán hàng của ngành thép năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 27,95 triệu tấn và 29,9 triệu tấn, tăng khoảng 7,1% và 7% so với cùng kỳ.
Xem thêm tại baodautu.vn