Bức tranh kinh doanh trái chiều

Tính đến tháng 3 năm nay, giá đường thế giới đã chững lại, giảm khoảng 3% so với tháng 2 và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Giá đường trong nước gần đây dao động quanh mức 21.000 đồng/kg, tương đương mức giá tháng 2 và tăng 18% (so với cùng kỳ năm ngoái).

Cùng với giá đường có chiều hướng tích cực, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường trên sàn chứng khoán cũng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.

Cổ phiếu “ngọt lịm” trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp mía đường kinh doanh ra sao?
Chiều ngày 22/5, cổ phiếu LSS ghi nhận thêm một phiên tăng trần sau phiên ngày 21/5 với giá 12.450 đồng/cổ phiếu. Ảnh: CafeF.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý I/2024 của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã ck: SBT), công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.159 tỷ đồng, tăng 8%. Lợi nhuận gộp đạt 785 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 12,3%, cải thiện so với mức 11,5% của cùng kỳ. SBT báo lãi sau thuế 188 tỷ đồng, tăng 23%.

Hoạt động kinh doanh đường của QNS đạt hiệu quả cao trong quý I chủ yếu do sản lượng lượng đường tiêu thụ tăng 38% so với cùng kỳ, giá thành sản xuất giảm, cùng các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu.

Tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi (mã ck: QNS), kết thúc quý I/2024, doanh thu thuần trên 2.522 tỷ đồng, tăng 18%. Trừ giá vốn và chi phí, QNS lãi ròng gần 532 tỷ đồng, tăng mạnh 68%. Biên lãi gộp cải thiện lên 32%, so với mức 28%.

Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn (mã ck: LSS), kết thúc quý III, niên độ 01/07/2023 – 30/06/2024, doanh thu thuần tăng gần 50%, lên mức 672 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp quý III là 72,7 tỷ đồng, tăng 2,5 lần và tương ứng biên lợi nhuận 10,7%, giảm nhẹ 0,2% của cùng kỳ. Trừ giá vốn và chi phí, lợi nhuận sau thuế của LSS là 30,1 tỷ đồng, tăng mạnh gấp hơn 8 lần.

Bên cạnh các doanh nghiệp mía đường ghi nhận lợi nhuận tăng thì còn có doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như Công ty CP Mía đường Sơn La (mã ck: SLS). Kết thúc quý I/2024, SLS ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 40%, còn 242 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm còn 98,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của SLS là 102,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 110 tỷ đồng.

“Ngọt không tròn vị” của mía đường 2024

Mặc dù có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I nhưng ngành mía đường vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm nay. Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, triển vọng nguồn cung cải thiện vào năm 2024 sẽ hạn chế đà tăng của giá đường thế giới; đồng thời dự báo giá đường nội địa sẽ ổn định trong nửa đầu 2024 nhờ đa số doanh nghiệp đường nội địa không còn nhiều hàng tồn kho.

Cổ phiếu “ngọt lịm” trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp mía đường kinh doanh ra sao?
Ngành mía đường vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay. Ảnh minh hoạ.

Về dài hạn, VNDirect nhận định, giá đường trong nước sẽ điều chỉnh giảm theo giá đường thế giới, nhưng vẫn cao hơn so với mức giá trung bình trong 2019 - 2021.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng Securities, giá đường thế giới trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm khi hiện tượng El Nino dự kiến sẽ chỉ còn kéo dài đến giữa năm 2024. Thời tiết sẽ chuyển sang pha trung tính và thuận lợi hơn cho việc trồng mía, phần nào giúp cải thiện triển vọng nguồn cung đường tại Ấn Độ và Thái Lan.

Theo Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA), tính đến tháng 12/2023, sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Brazil đã tăng 25,4% so với niên vụ trước, đạt hơn 42 triệu tấn. Tổ chức Đường quốc tế (ISO) cũng đã nâng ước tính sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023-2024 lên gần 180 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 174,8 triệu tấn được dự báo trước đó. Do vậy, mức thiếu hụt cung đường toàn cầu niên vụ 2023/2024 dự kiến sẽ chỉ ở mức 0,3 triệu tấn, so với mức 2,1 triệu tấn được dự báo trước đó.

Trước tình hình trên, Phú Hưng Securities nhận định, các yếu tố này sẽ hỗ trợ ổn định nguồn cung đường và khiến giá đường thế giới khó tăng mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá đường dự kiến vẫn sẽ neo cao khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung đường ở Ấn Độ tiếp diễn đến hết quý I/2024.

Cơ hội nào cho cổ phiếu đường mía?

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu mía đường thường có xu hướng tương quan với xu hướng giá đường thế giới. Biến động giá đường thế giới không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này mà còn có thể ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu.

Trong những phiên gần đây, cổ phiếu mía đường liên tục "khoe" sắc xanh, thậm chí còn có phiên tím tăng kịch trần. Cụ thể, cổ phiếu LSS ghi nhận phiên tăng trần vào ngày 21/5 với mức giá 11.650 đồng/cổ phiếu. Kết phiên sáng ngày 22/5, cổ phiếu LSS tiếp tục tăng lên 11.900 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, cổ phiếu SLS cũng liên tục tăng giá. Kết phiên sáng ngày 22/5, cổ phiếu SLS đã tăng lên mức 165.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác trong ngành mía đường khác cũng đều trên đà tăng như SBT, QNS…

Nhìn chung, cổ phiếu ngành mía đường được các chuyên gia đánh giá có triển vọng trong quý II, duy trì ở mức ổn định nhờ vào sản lượng đường tăng và sự phục hồi từ các yếu tố thời tiết thuận lợi.

Ngân hàng Thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/2024.

Trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, sản lượng mía đưa vào chế biến niên vụ 2023/2024 có thể đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với niên vụ trước.

Ngân hàng Thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/2024.

Trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, sản lượng mía đưa vào chế biến niên vụ 2023/2024 có thể đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với niên vụ trước.