Cổ phiếu nhà Vin đẩy thị trường quay về vùng tích lũy 1.230 điểm
VN-Index mở cửa phiên giảm nhẹ và giao dịch lình xình dưới tham chiếu khoảng 1-2 điểm trong hầu hết cả phiên sáng cũng như nửa đầu phiên chiều.
Điểm nhấn của phiên hôm nay chỉ đến vào nửa sau phiên chiều khi áp lực chốt lời khá mạnh xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đồng thời các cổ phiếu vốn đã tăng mạnh trong giai đoạn trước ghi nhận diễn biến đảo chiều giảm điểm hoặc đà tăng cũng suy yếu đáng kể.
VN-Index đóng cửa thấp nhất trong ngày, tại 1.233,5 điểm, giảm 9,8 điểm (-0,79%) và đánh mất toàn bộ mức tăng trong phiên liền trước. Cả 3 chỉ số vốn hóa đều mất điểm, VN30-Index giảm 0,73%, VNMidcap giảm 0,62%, VNSmallcap giảm 0,83%. Hiện tại, Vn-Index đang điều chỉnh và có thể bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm.
Lực bán diễn ra trên diện rộng khiến 320 mã trên HOSE giảm giá. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 4/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Chứng khoán (+1,5%) dẫn đầu đà tăng, theo sau là Công nghệ thông tin (+0,7%), Thiết bị điện (+1,5%) và Vật liệu xây dựng (+0,1%).
Bất động sản là ngành giảm mạnh nhất (-2,8%) với loạt mã cổ phiếu giảm sâu như: VRE (-2,9%), QCG (-5,4%), SGR (-1,4%), SCR (-1,1%), KHG (-1,7%), DXG (-2,4%), DXS (-3,4%)... Với riêng LDG (-6,9%), áp lực bán vẫn không ngừng tăng sau thông tin HOSE loại bỏ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị của LDG. Ngay cả khi khép phiên, dư bán sàn cổ phiếu này vẫn còn hơn 26 triệu đơn vị cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu họ nhà VinGroup bị chốt lời và dẫn đầu đà giảm trong nhóm VN30, với VIC (-4,9%) lấy đi 3,4 điểm của VN-Index; VHM (-3%) và VRE (-2,9%) lần lượt lấy của chỉ số chung 2 điểm và 0,5 điểm. Có lẽ, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực từ cố phiếu VFS của Vinfast trên sàn Nasdaq giảm (-6,95%) xuống 30,11 USD/CP sau một phiên giao dịch rực rỡ.
Ngoài ra, một số mã nhóm Ngân hàng như TCB (-1,7%), VPB (-1,1%), STB (-1,7%) và BID (-0,8%) đều "đóng góp" lớn vào mức giảm điểm.
Vai trò nâng đỡ thị trường hôm nay xoay sang các trụ khác như SSI (+3,8%), CTG (+0,8%), FPT (+1%), VCB (+0,2%), VNM (+0,7%), HPG (+0,5%); mặc dù vậy các mã này tăng chưa quá mạnh.
Nổi bật có SSI thu hút mạnh dòng tiền với khối lượng giao dịch đạt 59 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường và cao gấp 4 lần phiên trước.
Thanh khoản hôm nay tăng 22% so với hôm qua dưới áp lực bán của nhà đầu tư, đạt 25.526 tỷ đồng, nhưng chưa đến mức đột biến và nhìn chung vẫn tương đương với mức bình quân trong giai đoạn kể từ đầu tháng đến nay.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay, khối này cũng đã quay trở lại mua ròng nhưng giá trị tương đối thấp, chỉ đạt gần 110 tỷ đồng và tập trung mua tại CTG (+193 tỷ đồng), cùng với VIC (+142 tỷ đồng) và HPG (+100 tỷ đồng).
Đáng chú ý, CTG được khối ngoại mua ròng 14 phiên liên tiếp với tổng giá trị 720 tỷ đồng trong tháng 8. Ngược lại, MSN và MWG dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị bán ròng quanh 50 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Thông tin mới nhất trong ngày hôm nay, HOSE vừa gửi văn bản đến các công ty chứng khoán thông báo cuộc họp vào ngày 21/08 sắp tới về kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin KRX. Nếu việc áp dụng dự án công nghệ này thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có động lực lớn để được nâng hạng thị trường cận biên lên mới nổi.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuối tháng 8 này, Lãnh đạo Ủy ban sẽ sang HongKong họp bàn về các giải pháp và tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường chứng khoán và khả năng VN-Index vượt mốc đỉnh cũ 1.500 điểm.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn