Cổ phiếu nhà Vingroup kéo VN-Index tăng hơn 12 điểm, khối ngoại gom ròng 580 tỷ đồng

Sau phiên tăng tới gần 14 điểm (1,16%) lên mức 1.211 điểm, phiên sáng 24/4 diễn ra với nhiều biến động khi thị trường mở cửa khá tích cực, chỉ số chính nhanh chóng bật tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, đà tang trên không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời sớm xuất hiện khiến VN-Index thu hẹp mức tăng và có thời điểm lùi về sát tham chiếu. Giao dịch nhìn chung diễn ra giằng co, với sắc xanh vẫn chiếm ưu thế nhẹ nhưng chủ yếu là tăng nhẹ, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu, thanh khoản giảm gần 20% so với phiên trước và tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn lại ghi nhận sự phân hóa rõ rệt, với số mã tăng và giảm gần tương đương, nhưng bên giảm có ảnh hưởng tiêu cực hơn đến chỉ số. Mặc dù thị trường không có diễn biến tiêu cực rõ ràng, nhưng việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới khiến cả bên mua lẫn bán đều dè dặt, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.

Sau giờ nghỉ trưa, giao dịch diễn ra có phân tích cực hơn khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng rất mạnh từ đó cải thiện đáng kể tâm lý nhà đầu tư. VN-Index hồi phục tốt trở lại và có lúc chỉ số này tăng trên 1%. Ngay khi gần kết phiên, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) ra thông báo về việc chính thức đưa vào vận hành Hệ thống công nghệ thông tin mới kể từ ngày 5/5/2025.

Cổ phiếu Vingroup và Vinhomes tác động tích cực đến VN-Index 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,35 điểm (1,02%) lên 1.223,35 điểm. HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,18%) xuống 211,07 điểm. UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (0,4%) lên 91,83 điểm. Số mã cổ phiếu tăng chiếm ưu thế hơn với 445 mã trong khi có 255 mã giảm. Toàn thị trường ghi nhận 27 mã tăng trần trong khi có 15 mã giảm sàn.

Tâm điểm thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu “họ” Vingroup. Trong đó, VIC tăng trần lên 62.700 đồng/cổ phiếu và dư mua giá trần hơn 1,18 triệu đơn vị. Hai cổ phiếu VHM và VRE tăng lần lượt 4,6% và 3,87%. VIC là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 3,73 điểm. VHM cũng đóng góp 2,64 điểm. Xu hướng tích cực của nhóm cổ phiếu này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Vingroup tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Tại Đại hội, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup đã cho biết sơ bộ về thời điểm niêm yết Vinpearl và VinFast hòa vốn.

Các cổ phiếu lớn như BVH, HDB, GVR, MWG, FPT… cũng đồng loạt tăng giá và góp phần đẩy VN-Index đi lên.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm xuất khẩu và khu công nghiệp cũng có biến động tích cực sau khi Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ điều chỉnh mức thuế cho một số nước trong vài tuần tới. Ở nhóm thủy sản, VHC tăng trần ngay từ đầu phiên giao dịch. FMC tăng 5,2%, IDI tăng 4,2%. Nhóm dệt may cũng ghi nhận nhiều mã bứt phá như STK tăng 4,15%, TCM tăng 4,1%, MSH tăng 3,9%. Còn ở nhóm khu công nghiệp, SIP tăng kịch trần lên 62.200 đồng/cổ phiếu. SZC tăng 3,94%. KBC tăng 3,88%. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn như ACB, TCB, LPB, MBB… giảm giá và phần nào vẫn gây áp lực lên thị trường chung.

Khối ngoại trở lại mua ròng phiên 24/4

Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước. Tổng khối lượng trên HoSE đạt 799 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 17.663 tỷ đồng (giảm 7% so với phiên trước), trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 16.282 tỷ đồng, giảm 5%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.037 tỷ đồng và 613 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng trở lại 579 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã HPG với 152 tỷ đồng. MWG và VHM đều được mua ròng trên 109 tỷ đồng. Chiều ngược lại, GEX bị bán ròng mạnh nhất với 79 tỷ đồng. SHB cũng bị bán ròng 74 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn