Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP): Sau bull trap là chuỗi giảm dài nhất 19 năm
Cổ phiếu BMP ngắt mạch giảm giá
Kết phiên 3/7, cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh (sàn HoSE) tăng 2,5%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, đạt 101.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì mức thấp với chỉ 154.000 đơn vị.
Kể từ thời điểm thiết lập mức kỷ lục 114.140 đồng ngày 12/4/2024, diễn biến chủ đạo ở cổ phiếu BMP là rung lắc, chốt lời và điều chỉnh.
Mã thậm chí ghi nhận bull trap (bẫy tăng giá ảo) sau khi xuất hiện mẫu nến "ba chàng lính ngự lâm" hồi giữa tháng 6. Ngay sau đó, chuỗi giảm giá dài nhất lịch sử 19 năm liên tiếp của Nhựa Bình Minh xuất hiện với 8 phiên giảm liên tiếp (dữ liệu từ TCBS), giá giảm 10% và mất mốc 100.000 đồng.
Diễn biến cổ phiếu BMP |
Mức giá hiện tại của cổ phiếu "ông lớn" ngành nhựa chỉ tương đương giá tại thời điểm cuối năm 2023. Nói cách khác, cổ đông 6 tháng của BMP gần như không có lời.
Việc giá tăng chậm lại là điều hoàn toàn bình thường trong bối cảnh cổ phiếu Nhựa Bình Minh đã tăng khoảng 140% từ cuối tháng 3/2023 tới nay.
Tính đến cuối quý I/2024, P/E và P/B của BMP lần lượt là 8,7 lần và 2,9 lần. Trong khi đó, con số này ở nhóm xây dựng và vật liệu là 33,9 và 2,8 lần. Các chỉ số ROE, ROA cao vượt trội so với trung bình nhóm ngành, đạt mức 32,9% và 27,4% cho thấy hiệu quả tỏng việc sử dụng dòng vốn của công ty.
Mặt khác, Nhựa Bình Minh cũng không chịu áp lực từ đón bẩy tài chính. Trong số 622,5 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 3, chỉ có 55,2 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn.
Tại báo cáo cập nhật hồi giữa tháng 5, Chứng khoán SSI khuyến nghị giá mục tiêu cổ phiếu BMP ở mức 115.900 đồng. Thời điểm phát hành báo cáo, mã đang giao dịch quanh ngưỡng 110.x.
Kinh doanh khó đột biến trong một vài năm tới
Quý I/2024, Nhựa Bình Minh đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu và 190 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 30% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý II, SSI ước tính kết quả kinh doanh của công ty sẽ phục hồi so quý đầu năm song vẫn thấp hơn mức cùng kỳ do BMP ưu tiên lợi nhuận hơn là doanh thu.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng môi trường lãi suất thấp và tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt cao của Nhựa Bình Minh sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Năm 2024, doanh nghiệp ngành nhựa đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng (+7% YoY) và 1.000 tỷ đồng lãi sau thuế (-1% YoY). Tuy nhiên theo ước tính của Chứng khoán SSI, con số có thể ghi nhận chỉ là 5.200 tỷ đồng (+1% YoY) và 915 tỷ đồng (-12% YoY).
Sang năm 2025, tình hình kinh doanh của Nhựa Bình Minh được dự báo không có nhiều đột biến.
Tại báo cáo cập nhật cuối tháng 6, Chứng khoán MB (MBS) ước tính lãi sau thuế của Nhựa Bình Mình có thể giảm 42% trong quý II và 30% cho cả năm 2024. Các con số dự kiến thu về lần lượt là 144 tỷ và hơn 700 tỷ đồng.
Số liệu phân tích từ Chứng khoán Techcombank (TCBS) cũng cho thấy, giai đoạn 2024-2026 sẽ chứng kiến doanh thu của Nhựa Bình Minh gia tăng từ mức 5.000 lên khoảng 5.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ duy trì trong ngưỡng 800-940 tỷ.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn