Cổ phiếu Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ghi nhận chuỗi tăng điểm ấn tượng nhờ ‘game’ thoái vốn

Đáng chú ý, cổ phiếu NTP đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng với việc tăng 8/9 phiên giao dịch gần nhất, trong đó có 2 phiên tăng trần. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, cổ phiếu NTP đã tăng khoảng 26%.

-2871-1716368499.jpg

Phiên 22/5, cổ phiếu NTP tăng trần lên mức 53.900 đồng/cp.

Thông tin mới nhất về doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây đã đưa Nhựa Thiếu niên Tiền Phong vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024, sau 2 năm vắng bóng tại danh sách bán vốn của SCIC (2022-2023).

Tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, SCIC đang nắm giữ 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 48 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp hiện có nhiều cổ đông lớn khác là các tổ chức trong nước, nước ngoài cũng như một số cá nhân.

Cụ thể, cổ đông lớn thứ 2 tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong là Sekisui Chemical Co. Td (Nhật Bản) với tỷ lệ sở hữu 15%. Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong nắm giữ 14,27%; ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp nắm giữ 6,87%.

Nhìn chung, thoái vốn Nhà nước được cho là một trong những lý do khiến cổ phiếu NTP bật tăng mạnh mẽ thời gian gần đây, khi mà câu chuyện bán vốn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nhìn lại những câu chuyện thoái vốn giai đoạn trước, khi có thông tin thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB)..., cổ phiếu của những doanh nghiệp này đã tăng nóng 50-60%.

Thế nhưng, hậu thoái vốn, cổ phiếu của một số doanh nghiệp lại có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh, trong đó tiêu biểu phải kể đến như SAB, BMP (Nhựa Bình Minh) hay DIG (DIC Corp)...

Giới phân tích đã lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng khi giải ngân vào các cổ phiếu có "game" thoái vốn Nhà nước, vì sau thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là đầu cơ với những kỳ vọng ngắn hạn từ thông tin thoái vốn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao.

Do đó, nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào câu chuyện giá trị, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì yếu tố này sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng khi doanh nghiệp phát triển tốt.

Trong khi đó, nhìn vào kết quả kinh doanh của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng không được sáng cho lắm. Quý I/2024, doanh thu của doanh nghiệp đạt 948,7 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, hầu hết các chi phí đều được tiết giảm. Trong đó, chi phí tài chính đạt 20,7 tỷ đồng, giảm 54,5%. Chi phí bán hàng cũng giảm 42% so với cùng kỳ, xuống còn 94,2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 22,3% lên mức 47,9 tỷ đồng.

Kết quả, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong báo lãi trước thuế đạt 130,5 tỷ đồng và lãi sau thuế quý I/2024 đạt hơn 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,6% và 8% so với quý I/2023.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn