Cổ phiếu nổi sóng theo giá heo hơi, chủ thương hiệu MEATDeli đang kinh doanh ra sao?
Vốn hóa Masan MEATLife tăng hơn 3.700 tỷ đồng trong 1 tuần
Giá heo hơi liên tục tăng nóng trong thời gian qua. Đến sáng 23/5, giá heo hơi giao dịch tại miền Bắc trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg. Hưởng ứng điều này, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn chứng khoán như HAG, BAF, DBC đã tăng đáng kể trong 1 tháng qua.
Đối với thịt mát MEATDeli, các sản phẩm đang có giá bán khoảng 101.520 – 159.122 đồng/kg tại sáng 23/5. Trong đó các loại đang được giảm giá 20% theo chương trình ưu đãi dành cho hội viên của WinMart.
Cổ phiếu của Masan MEATLife (Mã: MML), chủ nhãn thịt MEATDeli, bật tăng đáng kể trong vài phiên gần đây. Cụ thể, từ 17/5 đến 22/5, MML đã tăng 44%, trong đó phiên 20/5 tăng trần (15%) và phiên 21/5 tăng 13%.
Cổ phiếu mở cửa phiên 23/5 tiếp tục tăng lên 42.000 đồng/cp, nhưng sau đó thu hẹp về 37.700 đông/cp. Tính chung trong 1 tuần, thị giá MML tăng hơn 40%. Thanh khoản cũng lên cao, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 155.000 cp, gấp 9 lần bình quân quý.
Với thị giá ghi nhận đóng cửa phiên 23/5, vốn hóa doanh nghiệp này tăng khoảng 3.400 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần, lên 12.343 tỷ đồng.
Masan MEATLife đang kinh doanh ra sao?
Cổ phiếu MML đi lên cùng với thông tin tích cực về giá heo trong thời gian gần đây. Về phần hoạt động kinh doanh, Masan MEATLife thành lập năm 2011, là doanh nghiệp quy mô lớn về nền tảng thịt có thương hiệu tích hợp 3F.
Masan MEATLife đang vận hành hệ thống các trại chăn nuôi heo, gà và các tổ hợp giết mô và chế biến thịt heo, thịt gà khắp cả nước. Trong đó, trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An có công suất 230.000 heo hơi mỗi năm. Hệ thống trang trại chăn nuôi gia cầm của CTCP 3F VIỆT là mắt xích quan trọng khi lấn sân sang thị trường thịt gà, với công suất đạt 21 triệu con gà mỗi năm.
Về tổ hợp chế biến, vào tháng 12/2018 và tháng 10/2020, công ty đã đưa vào vận hành hai tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An, mỗi tổ hợp có công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Hiện cả hai tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An còn sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt ủ mát như giò chả, xúc xích và các sản phẩm khác từ thịt, quy mô 30.000 tấn/năm.
Về tài chính, doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 3.274 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu đạt 6.984 tỷ đồng, tăng 10,9% so 2022, trong đó tất cả các phân khúc đều tăng, ngoại trừ gà trang trại. Chi phí tăng đáng kể khiến công ty báo lỗ sau thuế 539 tỷ đồng. Năm 2022 doanh nghiệp cũng ghi lỗ 233 tỷ đồng.
Qua năm 2024, Masan MEATLife đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 tỷ đồng và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với thực hiện 2023. Về lợi nhuận, công ty dự kiến từ lỗ 400 tỷ đồng đến lãi 100 tỷ đồng.
Dự kiến doanh thu từ mảng thị có thương hiệu và thịt chế biến tăng lần lượt từ 15 đến 28% và 12% đến 33%. Bên cạnh đó, công có kế hoạch giảm quy mô trang trại chăn nuôi mảng gà để tập trung cải thiện năng suất và tối ưu giá thành chăn nuôi mảng gà trang trại.
Đối với mảng thịt chế biến, công ty đang xây dựng định vị các sản phẩm thương hiệu Ponnie và Heo Cao Bồi. Công ty cũng tiếp tục tung thêm các sản phẩm thịt chế biến mới để bắt kịp xu hướng tiêu dùng.
Quý đầu năm, tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc khi công ty lỗ sau thuế hợp nhất 47 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 400 tỷ đồng, nhưng các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã hơn 500 tỷ đồng.
Đây đã là quý lỗ thứ 8 liên tiếp (kể từ quý II/2022) của doanh nghiệp này. Lỗ lũy kế tính đến 31/3 là gần 442 tỷ đồng. Tình hình thua lỗ khiến công ty không thực hiện trả cổ tức 2 năm 2022 - 2023, cũng như đề cập đến cổ tức năm 2024.
Công ty đang ghi nhận nợ phải trả gần 7.600 tỷ đồng tại cuối quý I. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,5 lần. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 2.176 tỷ đồng; vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn gần 3.368 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn