Cổ phiếu Novaland (NVL) bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/9

Nguyên nhân do Novaland chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tự lập, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất Novaland đạt hơn 2.248 tỷ đồng, tăng trưởng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 344,64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.094 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ, Novaland cho biết chủ yếu là nhờ doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu tài chính của Công ty đạt 3.951 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Khoản mục này tăng nhờ lãi từ các hợp đồng hợp tác đầu tư là 2.885 tỷ đồng.

Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 32.587 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.079 tỷ đồng, lần lượt tăng 585% và 122% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Novaland mới chỉ hoàn thành 6,9% kế hoạch doanh thu và 31,94% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Novaland đạt 240.178 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 59% là hàng tồn kho ở mức 142.025 tỷ đồng. Đây phần lớn là số tiền tồn đọng trong các dự án xây dựng dở dang của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu của Novaland đạt mức 45.647 tỷ đồng, trong đó có hơn 13.868 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đáng chú ý vẫn là khoản nợ phải trả lên tới 194.531 tỷ đồng, chiếm tới 81% tổng nguồn vốn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/9, cổ phiếu NVL giảm hơn 3% xuống mức 11.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 10,8 triệu đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn