Cổ phiếu "ông trùm" đất KCN tăng kịch trần lên đỉnh 22 tháng trước thềm họp ĐHĐCĐ bất thường, vốn hóa vượt 100.000 tỷ đồng
Trong phiên 16/2, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng kịch trần lên mức 26.650 đồng/cp, nối dài chuỗi giao dịch khởi sắc từ đầu năm. Thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh đạt 7,5 triệu đơn vị.
Tính chung 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gần 31% lên mức cao nhất trong 22 tháng qua. Nếu so với vùng giá đáy đầu tháng 11/2023, cổ phiếu GVR đã tăng hơn 60%. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng tăng thêm gần 25.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 106.600 tỷ đồng.
Đà tăng của GVR xuất hiện sau thông tin doanh nghiệp thông báo việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Cụ thể, ngày 29/3 tới đây, GVR sẽ tổ chức ĐHĐCĐ theo hình thức trực tuyến, thời gian đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là ngày 28/2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty chưa công bố nội dung và tài liệu cụ thể.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập năm 2006, hoạt động trên 4 lĩnh vực chính (1) Sản xuất và kinh doanh mủ cao su, 2) Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ cao su như lốp xe, (3) Hoạt động chế biến gỗ, (4) Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. GVR đang quản lý gần gần 400 nghìn hecta đất trồng cây cao su cả trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, GVR đang trong quá trình tái cấu trúc và hướng trọng tâm phát triển vào mảng kinh doanh khu công nghiệp nhờ vào quỹ đất dồi dào tập đoàn nắm giữ.
Theo chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp giai đoạn 2021-2030, GVR có kế hoạch lập mới và mở rộng hơn 39 nghìn hecta từ chuyển đổi đất trồng cây cao su, bao gồm 48 khu công nghiệp (gần 37,4 nghìn ha) và 28 cụm công nghiệp (gần 1.800ha). Các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III,... đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư.
Trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 4.104 tỷ đồng và 3.437 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 2,2% và 0,9% so với năm 2023.
Tập đoàn dự định giải ngân cho đầu tư phát triển hợp nhất là 7.503 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so năm 2023. Trong định hướng trung và dài hạn, GVR tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Đông.
Về chỉ tiêu công ty mẹ, doanh thu và thu nhập khác kỳ vọng đạt 3.988 tỷ đồng, tăng 3% so với kết quả ước tính năm 2023. Lợi nhuận kế hoạch sau thuế là 1.454 tỷ đồng, tương đương 103,5% so năm ngoái. Mức chia cổ tức năm 2024 là 3%, bằng với mức thực hiện năm rồi.
Riêng chỉ tiêu đầu tư phát triển năm 2024 cho công ty mẹ là 1.146 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số 13 tỷ đồng thực hiện của năm ngoái. GVR cho biết số tiền 1.146 tỷ đồng sẽ được dùng để tập trung chủ yếu vào đầu tư khu công nghiệp Hiệp Thạnh, nâng cấp và cải tạo văn phòng đại diện tại số 56 Nguyễn Du (Hà Nội) và 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. HCM).
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc GVR cho biết trong quý 1/2024, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh giải ngân, đầu tư vào dự án khu công nghiệp. Đối với mặt tổ chức như thành lập Ban phát triển khu công nghiệp, chi nhánh Tập đoàn, đại diện GVR kiến nghị Ủy ban xem xét, hỗ trợ phê duyệt sớm trong tháng 1/2024.
Chứng khoán KBSV cho rằng việc Nam Tân Uyên 3 – KCN nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bình Dương – được giao đất vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho GVR, dự kiến đóng góp vào KQKD của GVR từ 2024.
KBSV dự kiến NTU 3 có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2024. Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh các kế hoạch mở rộng gối đầu quỹ đất KCN của GVR kì vọng sẽ sớm cải thiện được tình trạng thiếu cung do thủ tục pháp lý chậm trễ của GVR nói riêng và của ngành nói chung, tạo nguồn cung mới liên tục, tăng lợi nhuận từ mảng KCN – mảng có biên gộp cao nhất của GVR.
Xem thêm tại cafef.vn