Cổ phiếu "ông trùm" sản xuất nguyên liệu không thể thiếu trong ngành bán dẫn tăng kịch trần lên đỉnh 20 tháng, vốn hoá cán mốc 1,6 tỷ USD
Trong bối cảnh thị trường chung khởi sắc, cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang cũng có "cú nhấn ga" ấn tượng khi bất ngờ tăng kịch trần cùng thanh khoản vượt mốc trung bình 20 phiên, qua đó đóng cửa tại mốc 107.000 đồng. Đây cũng là mức đỉnh cao nhất của cổ phiếu này trong 20 tháng qua, kể từ tháng 6/2022.
Thực tế, DGC đã rục rịch đi lên trong suốt 1 tháng qua với mức tăng gần 20% giá trị. Còn nếu so với thời điểm cách đây 1 năm, cổ phiếu này đã bứt phá tới 2,1 lần. Vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang cũng tăng thêm khoảng 7.000 tỷ từ cuối tháng 1/2024, lên trên 40.600 tỷ đồng (tương đương ~1,6 tỷ USD).
Nhìn lại lịch sử, cổ phiếu DGC từng ghi nhận đà tăng phi mã và lập đỉnh lịch sử tại vùng 126.000 đồng/cp (phiên 16/6/2022). Động lực tăng giá cho DGC khi đó đến từ kết quả kinh doanh năm 2022 lập kỷ lục nhờ hưởng lợi về giá từ căng thẳng Nga – Ukraine. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận, KQKD năm 2023 của DGC bắt đầu suy yếu khi giá bán cùng pha giảm với thị trường trong nước và thế giới.
Luỹ kế cả năm 2023 Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lần lượt giảm 33% và 44% so với thực hiện năm trước. Giá cổ phiếu cũng "bốc hơi" hơn một nửa từ mức đỉnh cũ và chỉ bắt đầu phục hồi kể từ tháng 5/2023.
Kỳ vọng hưởng lợi từ triển vọng ngành bán dẫn
Nhiều kỳ vọng cho rằng DGC được hưởng lợi nhờ triển vọng ngành bán dẫn trong thời gian tới. Báo Nikkei trích thống kê thị trường bán dẫn thế giới (WSTS) của các nhà sản xuất bán dẫn lớn cho thấy, thị trường toàn cầu về chất bán dẫn năm 2024 sẽ tăng 13% so với năm ngoái lên 588,3 tỷ USD, vượt qua kỷ lục trước đó của năm 2022. Dự báo của World Semiconductor Trade Statistics và Gartner cũng cho rằng tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 đạt lần lượt 11,8% và 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Photpho vàng và Acid phosphoric là các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn. Giá của hai nguyên liệu này được dự báo sẽ diễn biến tích cực hơn khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu photpho vàng lớn nhất Châu Á, Hóa chất Đức Giang (DGC) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng trên. Ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang mới đây đã cho biết, đến cuối năm 2024, nhu cầu photpho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận của DGC trong năm 2024 sẽ tăng 26% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu bán dẫn toàn cầu tăng mạnh hơn và nhu cầu phân bón đi kèm với nhu cầu trồng trọt tăng lên. Theo đơn vị phân tích, quá trình chuyển đổi dần từ phốt pho vàng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn (axit photphoric) sẽ làm tăng biên lợi nhuận của Hoá chất Đức Giang. Đồng thời, việc xây dựng nhà máy Chlo-alkali (từ quý 2/2024) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp trong dài hạn (dự kiến từ năm 2026). Tuy nhiên với mức giá DGC trên sàn hiện tại, SSI cho rằng đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong 1 năm tới.
Báo cáo mới đây của Vietcap cũng cho rằng Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ đưa nhà máy photpho vàng mới vào hoạt động vào quý 4/2023, nhà máy sẽ mở rộng công suất thêm 16% để đáp ứng với lượng đơn đặt hàng tăng mạnh vượt công suất hiện tại. Vietcap đặt kỳ vọng vào mảng hoá chất photpho công nghiệp (IPC) của DGC cho năm 2024. Hiệp hội ngành SEMI dự báo doanh số bán dẫn toàn cầu sẽ tăng 12% vào năm 2024. Kết hợp với lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất chip đang ổn định củng cố cho hoạt động sản xuất chip, nhu cầu hóa chất phốt pho công nghiệp dự báo sẽ tăng trong tương lai.
Theo đó, Vietcap kỳ vọng sản lượng bán và giá bán IPC sẽ phục hồi trong năm nay. Sản lượng bán IPC (tính theo hàm lượng photpho) sẽ tăng 20% so với năm 2023, đạt 68.888 tấn. Vietcap cho biết DGC đã bán khoảng 15.000 tấn IPC trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, DGC đã thâu tóm 1 nhà máy vào đầu năm 2023, nâng công suất photpho từ 60.000 tấn/năm lên 70.000 tấn/năm. Vietcap kỳ vọng nhà máy này của DGC sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024.
Giá bán trung bình (ASP) IPC của DGC đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua là 3.900 USD/tấn hàm lượng photpho trong quý IV/2023 theo ước lượng của Vietcap, tuy nhiên, công ty chứng khoán này dự báo giá bán trung bình IPC sẽ phục hồi và đạt 4.300 USD vào năm 2024 - gần như không đổi so với mức của năm 2023.
Theo Vietcap, DGC sẽ tiếp tục giành thị phần trên thị trường IPC trong trung hạn. Tổng sản lượng bán IPC của DGC sang Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi vào năm 2023 dù bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu do các công ty Hoa Kỳ đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc. DGC kỳ vọng nhu cầu IPC của Ấn Độ sẽ cải thiện trong quý I/2024 sau quý IV/2023 yếu kém. Nhu cầu của Ấn Độ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý IV/2023 của DGC trong khi nhu cầu ở Đông Á vẫn ổn định.
Ngoài ra, Vietcap kỳ vọng các nhà máy chế tạo chip mới bên ngoài Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho DGC vì Trung Quốc không còn xuất khẩu photpho vàng (P4) trong khi DGC chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu P4 toàn cầu. Vietcap tiết lộ chủ sở hữu một số nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) đang được xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thu mua P4 từ DGC khi họ đưa nhà máy vào hoạt động vào năm 2025.
Vietcap dự báo lợi nhuận ròng của DGC có thể phục hồi 31% so với năm 2023, đạt 4.087 tỷ đồng trong năm 2024.
Xem thêm tại cafef.vn