Cổ phiếu phân bón nổi sóng, VHM lập đỉnh mới
Tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư với những nhịp biến động mạnh như "tàu lượn siêu tốc". Chỉ số VN-Index có thời điểm trong phiên 22/4 giảm sâu về mức 1.140 điểm, sau đó nhanh chóng hồi phục và trở lại sát ngưỡng 1.200 điểm ngay trong ngày.
Khép lại tuần, VN-Index dừng ở 1.229 điểm, tăng nhẹ so với tuần trước. Dù vậy, nhiều cổ phiếu vẫn bứt phá và vượt đỉnh trong tuần vừa qua.

HoSE: NVL lọt top cổ phiếu tăng mạnh, VHM lập đỉnh mới
Trên sàn HoSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là VAF (+39,13%), APG (+16,82%), VSC (+16,15%), TDH (+15,20%), ABR (+15,17%), VHM (+13,27%), DCL (+12,98%), NVL (+12,20%), VRE (+11,76%), FRT (+11,26%).
Với 5 phiên liên tiếp tím trần trong tuần qua, cổ phiếu VAF của Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển dẫn đầu sàn HoSE với mức tăng hơn 39%. Dù ghi nhận đà tăng giá mạnh, thanh khoản của VAF vẫn ở mức thấp, với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ đạt 7.500 đơn vị. Nguyên nhân khiến thanh khoản của VAF ở mức hạn chế là do hai cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Hoàng Ngân - đang nắm giữ gần 92% lượng cổ phiếu lưu hành.
Dù không phải cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE, tuy nhiên VHM vẫn gây được sự chú ý trong tuần qua khi lập đỉnh mới trong năm 2025. Kết thúc tuần giao dịch, cổ phiếu VHM dừng ở 62.220 đồng/cp, tăng 13,27% so với tuần trước. Tính theo mức giá trên, vốn hóa của Vinhomes đạt gần 256.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu VHM vẫn cho thấy xu hướng tăng giá mạnh mẽ và đà tăng chưa có tín hiệu dừng lại. Đà tăng của cổ phiếu VHM được hỗ trợ một phần bởi kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng trong năm 2025.
Trong năm nay, Vinhomes đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 42.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 20% so với năm 2024. Nếu đạt được, đây tiếp tục là một kỷ lục mới của Vinhomes.

Một cổ phiếu cùng ngành bất động sản là NVL cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE với mức tăng 12,2%. Ngay từ đầu tuần, NVL đã tím trần với gần 25 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trong các phiên tiếp theo, dòng tiền tiếp tục gia tăng, đẩy giá và thanh khoản của cổ phiếu lên cao.
Tại ĐHĐCĐ được tổ chức cách đây ít ngày, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã kêu gọi cổ đông hãy đặt niềm tin vào cổ phiếu NVL vì họ đã qua giai đoạn khó nhất, mở thêm mảng nhà ở xã hội. Trong năm 2025, Novaland xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 phương án. Phương án 1 doanh nghiệp dự kiến doanh thu đạt 13.411 tỷ đồng, lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Phương án 2 đặt mục tiêu doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ sau thuế 688 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là SGN (–17,21%), BSI (–9,59%), PDN (–9,46%), HVH (–9,00%), VCA (–8,00%), YBM (–7,55%), JVC (–7,51%), HU1 (–7,30%), MDG (–7,17%), NHA (–6,90%).
Đà giảm sâu của cổ phiếu SGN diễn ra trong bối cảnh Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho Vietjet tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/4, trùng thời điểm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ hợp tác giữa SAGS và Vietjet.
Đây không phải lần đầu tiên SAGS đối mặt với việc mất khách hàng lớn. Trước đó, công ty đã ngừng cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways tại cả sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng kể từ đầu năm 2024, khiến doanh thu từ thị trường nội địa sụt giảm. Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, SAGS đã ký thêm hợp đồng với một số hãng hàng không quốc tế. Năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận tăng 19%, đạt hơn 270 tỷ đồng.
HNX: NFC lập đỉnh thời đại, tím trần 5 phiên liên tiếp
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là NFC (+60,07%), KHS (+38,97%), SMT (+27,16%), SVN (+26,32%), PPE (+24,62%), VIG (+24,62%), LBE (+22,50%), ATS (+19,05%), HCC (+16,43%), AAV (+16,18%).
Với 5 phiên liên tiếp tăng trần trong tuần qua, cổ phiếu NFC của Công ty CP Phân lân Ninh Bình dẫn đầu sàn HNX với mức tăng hơn 60%. Tại Phân lân Ninh Bình, có thể thấy sự xuất hiện của hai cổ đông lớn là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Hoàng Ngân. Hai cổ đông lớn này lần lượt nắm giữ 51% và 12,09% vốn doanh nghiệp. Do phần lớn cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông lớn, thanh khoản của NFC biến động mạnh, có phiên ghi nhận hơn 100.000 đơn vị được giao dịch, nhưng cũng có phiên chỉ có khoảng 6.000 cổ phiếu được sang tay.

Cũng trong tuần qua, VIG đã vượt mặt nhiều cổ phiếu chứng khoán để góp tên trong top 10 tăng giá. Tính theo mức giá 8.100 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam đạt hơn 365 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam là ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG). Mặc dù đảm nhiệm vị trí cao nhất trong bộ máy quản trị nhưng ông Long không nắm cổ phiếu VIG nào. Trong khi đó, tại Đầu tư Thăng Long, ông Long hiện sở hữu gần 20% vốn doanh nghiệp.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là: DC2 (–20,00%), BKC (–18,18%), THT (–16,07%), CX8 (–15,63%), PGN (–15,00%), HMH (–14,38%), HVT (–13,46%), CST (–12,50%), NHC (–11,07%), SGC (–10,62%)
Với mức giảm hơn 18% trong tuần qua, cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn tiếp tục nằm trong nhóm các mã giảm mạnh hai tuần liên tiếp. Tính theo mức giá 47.700 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp hiện chỉ còn gần 560 tỷ đồng.
So với vùng đỉnh 101.000 đồng/cổ phiếu đạt được vào cuối tháng 2, vốn hóa của BKC đã "bốc hơi" hơn 50%. Dưới góc độ kỹ thuật, cổ phiếu này cũng phát ra tín hiệu tiêu cực khi đã phá vỡ vùng hỗ trợ mạnh tại 54.000 đồng/cổ phiếu.
UPCoM: Thiếu vắng thông tin, biên độ dao động thu hẹp
Trên sàn UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua lần lượt gọi tên: CMM (+33,54%), LMC (+24,05%), XPH (+23,08%), FRM (+21,65%), ATB (+20,00%), CAD (+20,00%), DCF (+19,19%), SD3 (+18,97%), TIN (+18,12%) và UPH (+17,72%).
Ở chiều ngược lại, 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất bao gồm: HCB (–39,59%), CI5 (–23,29%), SPV (–21,28%), BTB (–20,97%), VNY (–20,59%), PCM (–19,53%), FCS (–18,42%), MGC (–18,41%), PEG (–18,37%) và TST (–18,18%).

Tuy ghi nhận mức biến động khá lớn về giá, nhóm các cổ phiếu tăng và giảm mạnh trong tuần qua lại không có diễn biến nổi bật nào về mặt thông tin cơ bản. Phần lớn các mã này tiếp tục giao dịch trong trạng thái trầm lắng, với thanh khoản ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Các phiên giao dịch chủ yếu ghi nhận khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt, cho thấy sự thiếu vắng dòng tiền lớn và tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư.
Diễn biến này phản ánh đặc thù chung của sàn UPCoM, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, ít được chú ý hoặc thiếu câu chuyện hỗ trợ đủ mạnh trong ngắn hạn. Đặc biệt, nhiều mã trong nhóm này có cơ cấu cổ đông cô đặc, dẫn tới tình trạng giá cổ phiếu biến động mạnh nhưng thanh khoản lại èo uột, khiến rủi ro đầu tư tăng cao đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều biến động khó lường và dòng tiền đầu cơ có xu hướng thu hẹp, các mã UPCoM tăng giảm mạnh nhưng thanh khoản thấp vẫn cần được theo dõi chặt chẽ, tránh rơi vào những nhịp biến động thiếu cơ sở nội tại. Nhà đầu tư nên thận trọng, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và thanh khoản ổn định thay vì chạy theo các mã biến động ngắn hạn thiếu sự hỗ trợ vững chắc.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn