Cổ phiếu QCG tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp

Như vậy, sau một thời gian lao dốc do vướng lùm xùm của cựu Tổng Giám đốc, những phiên gần đây, cổ phiếu QCG bất ngờ hồi phục trở lại mà không xuất hiện một thông tin tích cực nào hỗ trợ giá cổ phiếu.

Tính trong khoảng 1 tuần trở lại đây, thị giá cổ phiếu QCG đã tăng tới 34%, từ 6.810 đồng/cp lên 9.130 đồng/cp.

-7968-1729065282.jpg

Cổ phiếu QCG tiếp tục tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp.

Trước đó, cổ phiếu QCG đã có giai đoạn tăng nóng từ vùng đáy tháng 2/2024 tại vùng 8.250 đồng/cp lên đỉnh tháng 4/2024 tại 18.800 đồng/cp (+128%), sau đó liên tục sụt giảm. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh, giảm xuống còn gần 2.350 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong giai đoạn 19 - 26/7, cổ phiếu QCG đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp khi cựu CEO Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam ngày 18/7 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bà Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance và Đặng Phước Dừa - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư. Sau đó, bà Loan chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100%, vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật để bán cho CTCP Bất động sản Thịnh Vượng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 diễn ra vào chiều 5/8, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Hiện, cổ phiếu QCG đang bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Lý do được HoSE đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam sau khi kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2024 của Quốc Cường Gia Lai đã chỉ ra điểm nhấn mạnh.

Theo đó, ngày 11/4, TAND TPHCM đã ra bản án sơ thẩm buộc Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ CTCP Island là hơn 2.882 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Thế nhưng tại thời điểm ngày 30/6, doanh nghiệp chỉ còn hơn 27 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới hơn 434 tỷ đồng. Như vậy, quỹ tiền mặt của Quốc Cường Gia Lai nhỏ hơn nhiều so với số tiền phải trả cho CTCP Island.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn