Cổ phiếu SMC xuống vùng giá thấp nhất 8 năm

Cổ phiếu SMC chốt phiên 16/10 tại 6.310 đồng, mất 4,39% so với tham chiếu. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mã này, đưa thị giá từ 7.110 đồng về như hiện tại. Mức này thấp hơn vùng giá 7.040 đồng được ghi nhận vào cuối năm 2022, qua đó trở thành vùng đáy 8 năm của SMC.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá SMC đã bốc hơi hơn 20%. Nếu so với vùng đỉnh được thiết lập kể từ đầu năm đến nay là 20.200 đồng vào tháng 7/2024, cổ phiếu này đã mất gần 69%. Với khoảng 73,7 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, vốn hoá thị trường SMC ở mức 464 tỷ đồng. 

Đồ thị giá cổ phiếu SMC từ tháng 10/2016 đến nay.
Đồ thị giá cổ phiếu SMC từ tháng 10/2016 đến nay.


SMC đang trong xu hướng giảm dài hạn khi bị bủa vây bởi nhiều thông tin kém tích cực về hoạt động kinh doanh và cổ phiếu. 

Cụ thể, vào giữa tháng 4, SMC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong báo cáo kiểm toán năm 2023 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong hai năm 2022 và 2023 là số âm.

Khi đó, ban lãnh đạo cho biết đã tăng cường áp dụng các giải pháp kinh doanh để có hiệu quả cao, trong đó có việc thanh lý các khoản đầu tưtài chính và thanh lý tài sản. Công ty lần lượt thông qua kế hoạch chuyển nhượng diện tích 6.197 m2 tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An, 9.096 m2 tại khu công nghiệp Tân Tạo A, 329,5 m2 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Trong bối cảnh các đối tác lớn gặp khó về dòng tiền, công ty phải thực hiện tái cơ cấu và giảm quy mô nhân sự. So với cuối năm 2022, SMC đã giảm 32,6% lượng công nhân, chỉ còn 810 nhân viên vào cuối quý II năm nay.

Giữa tháng này, hơn 250.000 cổ phiếu SMC phát hành theo chương trình ưu đãi cho người lao động được chuyển từ trạng thái hạn chế chuyển nhượng sang tự do

Nửa đầu năm 2024, SMC đã hạch toán lãi từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ tức được chia ước tính khoảng 196,3 tỷ đồng và lãi do thanh lý, nhượng bán tài sản cố định khoảng 106 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động đầu tưchứng khoán và thanh lý tài sản cố định là 302,3 tỷ đồng, bằng 334% lợi nhuận trước thuế. SMC có thể tiếp tục lỗ nếu loại trừ giao dịch bán tài sản và bán khoản đầu tư chứng khoán.

Liên quan tới xử lý nợ xấu, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng số trích lập lên gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. SMC nhất định phải xử lý nợ trong năm nay, các phương án xử lý gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ và nếu kế hoạch xử lý nợ khả thi, SMC đều chấp nhận”.

Tính đến cuối tháng 6, doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị nợ xấu hơn 1.309 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 577 tỷ đồng. Dù nợ xấu đi ngang trong nửa đầu năm, SMC đã trích lập thêm 3,63 tỷ đồng mà vẫn chưa xử lý như mong muốn. 

Xem thêm tại baodautu.vn