Cổ phiếu Tập đoàn Tiến Bộ bị hủy niêm yết bắt buộc
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ do hàng loạt vi phạm về công bố thông tin.
Cụ thể, cổ phiếu TTB đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 7/7 theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau đó, HoSE tiếp tục đưa ra văn bản đình chỉ giao dịch cổ phiếu TTB vào ngày 11/9 do công ty này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Bên cạnh đó, cổ phiếu TTB còn nằm trong diện kiểm soát của HoSE theo quyết định vào ngày 20/9 do chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
“Đến nay, Công ty chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”, HoSE cho biết.
Do đó, căn cứ theo quy định, ý kiến của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE thông báo sẽ hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TTB. Tuy nhiên, thời gian hủy niêm yết cụ thể chưa được công bố.
Theo HoSE, Tập đoàn Tiến Bộ chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023. Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm về công bố thông tin cũng chưa được công ty khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Vì thế, căn cứ theo quy định, ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu này.
Tập đoàn Tiến Bộ tiền thân là Doanh nghiệp Tư nhân Công nghiệp và Thương mai Tiến Bộ, được thành lập năm 1998.
Năm 2008, công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh sang công ty cổ phần. Hoạt động kinh doanh của công ty tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh thương mại sắt thép, sản xuất quả cầu lông, hàng tiêu dùng, giàn giáo cốp pha thép...
Năm 2009, một năm sau khi cổ phần hoá, Tập đoàn Tiến Bộ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận là công ty đại chúng.
5 năm sau đó, doanh nghiệp này thực hiện đăng ký lưu ký chứng khoán với mã là TTB. Năm 2015, cổ phiếu TTB chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và đến năm 2018 thì chuyển niêm yết giao dịch sang sàn HOSE.
Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động trên thị trường chứng khoán, Tập đoàn Tiến Bộ đã nhiều lần bị xử phạt vì các vi phạm liên quan đến công bố thông tin.
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Tiến Bộ từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 260 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin.
Trong đó, Tiến Bộ bị phạt 85 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét và bị phạt 175 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Mặt khác, Tiến Bộ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin theo quy định.
Tháng 6/2023, doanh nghiệp này bị xử phạt 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật.
Trước đó, tháng 1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 4 bị can thuộc Tập đoàn Tiến Bộ do liên quan đến vụ án cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán.
Ngoài ra, cổ phiếu TTB cũng từng dính tới một vụ việc thao túng thị trường diễn ra vào tháng 1/2022. Cụ thể, hai cá nhân Dương Thanh Xuân và Nguyễn Thành Nam bị xử phạt mỗi người 600 triệu đồng vì đã sử dụng hơn 100 tài khoản khác nhau để giao dịch, tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu TTB. Tuy nhiên, hai cá nhân này chỉ bị phạt hành chính mà không bị truy tố trách nhiệm hình sự vì chưa thu lợi bất hợp pháp.
Vào tháng 12/2021, Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; báo cáo tài chính bán niên soát xét 2019; thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành ngày 01/12/2020.
Doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng nhưng giá trị vốn hóa tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên cuối cùng trước khi bị đình chỉ giao dịch chỉ ở mức 186 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần đạt 45 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế âm 845 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi 1,34 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu Tiến Bộ đạt 1.409 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Tuy nhiên do chi phí quản lý doanh nghiệp "đội lên", kết quả lợi nhuận sau thuế giảm 63%, còn gần 6 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn