Cổ phiếu TCB tăng “húng”, khối ngoại xả khủng
Diễn biến tăng đột ngột của TCB sau khi có thông tin trả cổ tức đã kích thích tâm lý hào hứng đáng kể những phút đầu phiên sáng nay. Lượng tiền khổng lồ đổ xô vào mua TCB đẩy thanh khoản mã này lên mức kỷ lục 28 tháng dù mới giao dịch được nửa ngày. Tuy nhiên diễn biến giá tụt dần xuống cho thấy cũng có lượng xả cực mạnh, trong đó khối ngoại tranh thủ rút vốn về quy mô lớn.
VN-Index tăng tốt nhất trong khoảng 1 tiếng đầu tiên, chỉ số đạt đỉnh lúc 9h50 tăng gần 11 điểm (+0,84%) so với tham chiếu. TCB thậm chí chạm giá kịch trần. Tuy nhiên 2/3 thời gian còn lại áp lực bán bắt đầu tăng, TCB tụt dần xuống và chốt phiên sáng còn tăng 5,05%.
Nhà đầu tư nước ngoài xả hơn 4 triệu TCB và mức rút vốn ròng khoảng 192,6 tỷ đồng. Tuy vậy lượng bán này chỉ chiếm 15,6% tổng thanh khoản, tức là nhà đầu tư trong nước bán ra chiếm phần rất lớn. Mặc dù có thông tin hỗ trợ nhưng TCB cũng đã tăng giá 49% kể từ đầu năm và tính từ đầu nhịp tăng gần nhất với đáy tháng 11 năm ngoái, biên độ đã tới gần 73%.
TCB tăng bùng nổ cũng kéo theo nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng, nhưng thậm chí các mã còn lại tụt giá nhanh hơn cả TCB. Ví dụ trong rổ Vn30, loạt cổ phiếu ngân hàng tụt hơn 1% so với đỉnh đầu ngày có thể kể tới MBB, ACB, BID, CTG, STB, TPB, VIB, VPB. Biên độ tăng còn lại không đáng kể, trừ TCB thì còn duy nhất ACB tăng 1,07%. CTG, STB, TPB, VPB đã mất sạch đà đi lên.
Hiện tượng trượt giá cũng xuất hiện với tất cả các blue-chips trong rổ VN30 chứ không riêng gì ngân hàng. VN30-Index từ chỗ tăng cao nhất 1,37% so với tham chiếu, đến cuối phiên sáng chỉ còn tăng 0,89%. Đà tăng này cũng là nhờ một số trụ khác nổi lên hỗ trợ khi nhóm ngân hàng trượt giảm. VHM tăng 2,12%, VIC tăng 1,17%, FPT tăng 1,39%, MSN tăng 1,72% là đáng kể nhất. Nhóm này cũng đã trượt giá một chút so với mức đỉnh, nhưng thời điểm tăng thì ở nửa sau của phiên sáng, lệch pha một chút so với các mã ngân hàng.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,46% tương đương 5,87 điểm và cũng hoàn toàn phụ thuộc vào TCB, VHM, BID, VIC, FPT, MSN, vốn đem lại tới tới 5 điểm. Độ rộng thay đổi rất rõ phản ánh diễn biến chốt lời đẩy giá từ từ trượt xuống. Lúc ở đỉnh, số mã tăng trong VN-Index gấp 4 lần số giảm nhưng hiện đã cân bằng 204 mã tăng/209 mã giảm. Cả sàn HoSE hiện chỉ còn khoảng 30 cổ phiếu còn tăng giá và giữ được mức tăng cao nhất buổi sáng, số còn lại hoặc đứng im tham chiếu hoặc đã quay đầu trượt giảm. Số mã đang chốt giá cao nhất này lại chủ đạo là thanh khoản lẻ tẻ vài triệu tới vài chục triệu đồng.
Tới 45% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên HoSE đã tụt giá tối thiểu 1% so với đỉnh đầu ngày, với gần 100 mã đảo chiều từ xanh thành đỏ. Bị xả ép giá đáng kể là NVL từ tăng 1,1% thành giảm 1,38% thanh khoản 333,1 tỷ đồng; KBC từ tăng 0,98% thành giảm 0,84%, giao dịch 152,5 tỷ; HSG trượt khỏi đỉnh 1,24% thành giảm 0,83%, giao dịch 161,4 tỷ; DXG, VIX, PVT, NLG, VTP, KSB, HHV, CTD… cũng dao động với biên độ lớn theo hướng giảm và thanh khoản khá cao.
Khả năng nâng đỡ chỉ số lúc này vẫn đang dồn vào số ít cổ phiếu lớn, VIC, VHM có thể là ẩn số thay thế. Diễn biến nhóm ngân hàng, đặc biệt với TCB chiều nay sẽ có tác động lớn về mặt tâm lý. Thực tế biên độ tăng còn lại ở cổ phiếu cũng không có gì mạnh, toàn sàn HoSE chỉ có 50 mã đang tăng hơn 1% so với tham chiếu và nếu trừ giao dịch của TCB thì thanh khoản chiếm khoảng 31% sàn. HAG, VCI, DGC, HCM, MWG, SSI là các cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt và vẫn đang giữ giá khá mạnh.
Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay tăng gần 29% so với sáng hôm qua, đạt gần 11.695 tỷ đồng. TCB tăng giao dịch tới 1.138 tỷ đồng so với sáng hôm qua (gấp 11 lần) nên thực chất giao dịch ở các mã còn lại tăng khoảng 16% thanh khoản.
Khối ngoại ghi nhận bán ròng 796,8 tỷ đồng trên HoSE sáng nay, nên ngoài TCB còn khá nhiều mã khác bị xả lớn. Đáng kể là VHM -170,9 tỷ, VRE -116,1 tỷ, VNM -70,5 tỷ, VND -69,2 tỷ, NVL -65,2 tỷ, GEX -34,9 tỷ, HPG -32,4 tỷ. Phía mua có VCI +28,3 tỷ, SSI +25,7 tỷ là đáng kể duy nhất.
Xem thêm tại vneconomy.vn