Nhìn trong một tuần đổ lại, cổ phiếu vốn hoá lớn nhất ngành thép là HPG giảm 2,6%; NKG và HSG giảm mạnh hơn, lần lượt ở mức 9,7% và 4,57%. Trong nhóm các cổ phiếu nhỏ, TVN bỗng trở nên nổi bật với mức tăng gần 26% chỉ trong một tuần. TIS cũng không kém cạnh khi vụt tăng hơn 25%. Ngoài ra, SMC, VCA, TLH… cũng tranh thủ tích luỹ thêm từ 4 – 10%.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 24/06, khi thị trường chung giảm mạnh, VN-Index bị thổi bay 27,9 điểm, đóng cửa tại 1.254,12 điểm; HNX-Index cũng giảm 4,62 điểm, đóng cửa tại 239,74 điểm, sự phân hoá của nhóm cổ phiếu thép càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, xét về thanh khoản khoảng cách giữa hai nhóm vẫn rất cách biệt.
Sự phân hoá của nhóm cổ phiếu thép trong phiên thị trường giảm mạnh ngày 24/06. |
Đánh giá tình hình chung của ngành thép, TPS cho rằng nền kinh tế trong nước đang có những dấu hiệu tích cực và thị trường tiêu thụ thép trở nên sôi động hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công trình xây dựng tiếp tục được triển khai.
Cụ thể, trong quý I/2024, thị trường Việt Nam ghi nhận tổng sản lượng bán thép các loại đạt 6,12 triệu tấn (chưa tính CRC do bán thành phẩm có thể bị tính chéo với HRC), ghi nhận mức tăng 12% so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng bán thép xây dựng đạt 2,57 triệu tấn, thép HRC ghi nhận 1,75 triệu tấn, ống thép và tôn mạ lần lượt 530.000 tấn và 1,27 triệu tấn.
Nhìn chung, sản lượng thép thành phẩm sản xuất trong 3 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức tiêu thụ trong 2020, 2021 và 2022. Mức tăng sản lượng ghi nhận chủ yếu đến từ sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành đầu tư công hoặc xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn khá khiêm tốn và đơn hàng chủ yếu tập trung cục bộ ở những doanh nghiệp thép lớn.
Về triển vọng phục hồi nền kinh tế cũng như các đơn hàng thép nội địa đang có xu hướng thấp hơn dự kiến. Tại Việt Nam, ngành thép có mức độ phụ thuộc lớn vào ngành xây dựng, đầu tư công và bất động sản do sản lượng thép tiêu thụ lớn nhất vẫn là thép xây dựng và các sản phẩm thép liên quan đến các công trình.
Theo một báo cáo từ VNR, ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỷ lệ doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát 2023. Việc đẩy mạnh đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI là cơ sở củng cố niềm tin đối với mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, các khó khăn tồn đọng trong thiếu vốn hay nợ đọng cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân và hoạt động ngành xây dựng.
Sự phục hồi ngành sẽ vẫn hạn chế vì đơn hàng chỉ tập trung chủ yếu với các doanh nghiệp lớn trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Qua đó, TPS đánh giá khả quan đối với ngành thép với mức tiêu thụ được ước tính phục hồi tăng chỉ từ 10 - 15% so với cùng kỳ.
Về giá nguyên vật liệu, giá quặng sắt FE 62% bình quân tháng 05/2024 đạt 110,8 USD/tấn, tiếp tục đà giảm từ đầu 2024, cụ thể giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than cốc đầu tháng 05/2024 giao dịch ở mức 186 USD/tấn, giảm 30% so với cùng kỳ. Giá thép phế tuy nhiên lại có mức tăng, cụ thể tăng lên mức 380 USD/tấn, tuy có tăng nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 2023 khoảng 10%. Giá điện cực neo ở mức 5.500 USD/tấn.
Về giá bán thép, kết thúc tháng 5, giá bán thép xây dựng tại Việt Nam không có nhiều sự thay đổi lớn so với cuối năm 2023. Sau nhiều điều chỉnh tăng giảm trong năm, giá thép xây dựng đã có tổng cộng 9 đợt điều chỉnh giá và ghi nhận mức 14,17 – 15,2 triệu đồng/tấn.
Giá thép cán nóng HRC ghi nhận mức giảm đáng kể ở mức 586,8 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giá HRC giảm chủ yếu do thị trường tiêu thụ thép tại Trung Quốc gặp khó và lượng thép này buộc phải tìm hướng đi tại các thị trường khác với mức giá bán rẻ hơn khiến mức giá HRC toàn cầu có xu hướng giảm. 2 loại thép hạ nguồn không ghi nhận nhiều sự thay đổi giá bán.
Nhìn chung, TPS nhận định giá thép nguyên liệu vào các tháng đầu năm 2024 đã có mức giảm nhất định. Với tình hình tồn kho tăng và đầu ra thép tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn đã giúp chi phí nguyên vật liệu sản xuất thép giảm bớt áp lực tăng giá.
Bên cạnh đó, do cả nguyên vật liệu thô và bán thành phẩm HRC đều có mức giảm lớn hơn so với điều chỉnh giá, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm nay có khả năng rất lớn cải thiện được biên lợi nhuận gộp và biên lãi thuần để vượt qua khó khăn và vực dậy từ mức đáy 2023.