Cổ phiếu thép rơi vào ‘chảo lửa’ sau lệnh áp thuế của TT Donald Trump

Phiên giao dịch sáng 10/2, thị trường chứng khoán chứng kiến làn sóng bán tháo dữ dội tại nhóm cổ phiếu thép. Áp lực xả hàng khiến toàn ngành chìm trong “chảo lửa”.

Cổ phiếu thép chìm trong "chảo lửa" sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Donald Trump

Trong đó, cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC dẫn đầu đà giảm khi mất 6,8% giá trị, rơi xuống mức 5.740 đồng/cp. Thanh khoản tăng đột biến, ghi nhận ở mức 2,9 triệu đơn vị với 22,82% giao dịch khớp lệnh tại giá sàn.

Kế đến, cổ phiếu GDA của Công ty CP Tôn Đông Á giảm 5,16%, xuống còn 23.900 đồng/cp. Khối lượng giao dịch lên tới 301.840 đơn vị, cao gấp gần 3 lần mức trung bình 20 phiên, lệnh bán chiếm 59%.

Ở vị trí thứ 3, với việc “đánh rơi” 4,49% thị giá, cổ phiếu TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP không thể nối dài chuỗi tăng điểm đã kéo dài 7 phiên liên tiếp.

Bộ ba cổ phiếu HSG - NKG - HPG cũng giảm khá mạnh, lần lượt ở mức 3,39%, 2,86% và 2,25%. Đáng nói, cả ba mã này cùng góp mặt trong danh sách 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Cụ thể, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát xếp thứ hai trong danh sách với quy mô rút ròng lên tới 53,9 tỷ đồng, cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen ở vị trí thứ 7 với 18,5 tỷ đồng, cổ phiếu NKG của Công ty CP Thép Nam Kim ở vị trí thứ 8 với 18,3 tỷ đồng.

Là mã vốn hoá lớn, sự suy giảm của cổ phiếu HPG đã khiến VN-Index mất 0,93 điểm.

Bộ ba HSG - NKG - HPG góp mặt trong danh sách 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sáng 10/2 (Nguồn: Wichart)

Ngoài ra, các cổ phiếu khác như TIS, VGS, TLH cũng không khỏi “lao đao” khi giảm quanh ngưỡng 2%. HSV và VCA là hai mã hiếm hoi đứng giá trong phiên sáng.

Diễn biến tiêu cực nói trên phản ánh nỗi lo ngại về chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuối tuần, Tổng thống Mỹ thông báo, ông sẽ công bố mức thuế mới 25% đối với tất cả các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ vào ngày 10/2 (giờ địa phương). Mức thuế này sẽ được áp dụng ngoài mức thuế hiện hành đối với kim loại, đánh dấu động thái leo thang lớn khác trong cuộc “đại tu” chính sách thương mại của ông.

Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng dự kiến công bố mức thuế quan đối ứng lên những quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 11/2 hoặc 12/2. Tổng thống Mỹ cho hay, sắc thuế này sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức.

Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump Trump đã áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, nhưng sau đó đã cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác thương mại, bao gồm Canada, Mexico và Brazil. Sau này, Cựu Tổng thống Joe Biden đã mở rộng diện miễn thuế sang Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Hiện, vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các hạn ngạch miễn thuế nói trên khi ông Trump “tung đòn” mới.

Giới quan sát đồng thuận rằng, việc “đòn” thuế này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ. Trong những phản ứng ban đầu, cổ phiếu của các nhà sản xuất thép ở châu Á hầu hết đều giảm vào sáng 10/2, ngoại trừ những công ty có hoạt động tại Mỹ, theo hãng tin Reuters.

Dữ liệu của Chính phủ và Viện Sắt thép Mỹ ghi nhận, Việt Nam là một trong số năm quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, cùng với Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam có thể đối diện với không ít khó khăn trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam có thể đối diện với không ít khó khăn khi Tổng thống Donald Trump "tung đòn" thuế mới

Các “đại gia” ngành thép chịu ảnh hưởng ra sao?

Theo đánh giá của Chứng khoán ACB (ACBS), chính sách áp thuế nhập khẩu thép của Mỹ sẽ không gây tác động đáng kể đến Tập đoàn Hòa Phát do tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu, trong đó thị trường Mỹ chỉ đóng góp 5-10% doanh thu xuất khẩu. Như vậy, tổng tỷ trọng doanh thu từ Mỹ ước tính chỉ dao động trong khoảng 1,5-3%, mức ảnh hưởng tương đối thấp so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Trên thực tế, Hòa Phát chủ yếu xuất khẩu thép xây dựng và thép chất lượng cao dùng làm thép rút dây, lõi que hàn sang hơn 30 quốc gia, bao gồm Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc và Sri Lanka. Riêng mảng thép xây dựng, tập đoàn tập trung vào thị trường Đông Nam Á, trong khi sản phẩm HRC (thép cuộn cán nóng) được xuất khẩu chủ yếu sang EU, Mỹ, Đông Nam Á và Mexico.

Dù vậy, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi các đối tác lớn là Hoa Sen và Nam Kim – hai khách hàng tiêu thụ lượng lớn HRC – gặp khó khăn vì mức thuế quan mới. Cả hai doanh nghiệp này đều có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ, do đó, nếu xuất khẩu bị gián đoạn, nhu cầu đối với HRC của Hòa Phát cũng có nguy cơ sụt giảm.

Trong mảng tôn mạ, ACBS đánh giá Nam Kim sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn Hoa Sen do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 40-60% doanh thu. Trong khi đó, thị trường Mỹ đóng góp khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen.

Còn về thị trường nội địa, ACBS cho rằng, cả hai đơn vị này đều được hưởng lợi từ chính sách duy trì thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu do Việt Nam có khả năng áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, gây áp lực lên chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong nước.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn