Cổ phiếu tôm bật tăng “tanh tách” sau tin Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường
Như VnEconomy đưa tin, vào ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” hay không? “Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế thị trường rồi”, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phát biểu. Tổ chức này ủng hộ việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là những nền kinh tế phi thị trường, do đó là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao. Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan - một nền kinh tế thị trường - chỉ ở mức 5,34%.
Một khi Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hoá Việt Nam sẽ được Mỹ giảm các loại thuế chống bán phá giá. Trong đó, với ngành tôm kỳ vọng sẽ được giảm dần mức thuế theo thời gian, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Đón tin vui này, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu ngành tôm sáng 9/5 bật tăng "tanh tách" với VHC của Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng kịch trần; FMC của Thực phẩm Sao Ta cũng tăng 5,6%; MPC của Thủy sản Minh Phú tăng 4,9%..
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 thị trường.
Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu tôm đạt gần 272 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 3/2024, Trung Quốc & Hồng Kông và Mỹ là 2 thị trường nổi bật, ghi nhận tăng trưởng lần lượt 17% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc& Hồng Kông thu về 128 triệu USD, tăng 75%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16%.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024. Trong các cuộc họp gần đây FED cũng có động thái rằng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 nhằm thúc đầy hoạt động kinh doanh và buôn bán trở lại. Điều này sẽ giúp kinh thích nhu cầu tiêu dùng trở lại tại thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Giá tôm cũng đã hồi phục mạnh trong bối cảnh xuất khẩu khả quan. Tháng 2/2024, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đạt 3.660 tấn tôm Việt Nam, trị giá 35,5 triệu USD, tăng so với cùng kỳ. Không nằm ngoài biểu đồ giá tôm đi xuống của thế giới, giá tôm Việt Nam cũng giảm còn 4.52 USD/lb, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước (4,87 USD/lb) nhưng cao hơn 1% so với tháng trước (4,46 USD/lb).
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành tôm sau khi ghi nhận về mức đáy vào năm 2023, được dự báo hồi phục mạnh trong năm 2024. Trong đó FMC và MPC là hai doanh nghiệp ngành tôm lớn trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của nhóm này được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh cùng với câu chuyện tăng giá trị xuất khẩu và diễn biến giá trong năm 2024.
"Định giá vẫn còn hấp dẫn so với mức định giá hiện tại. Các mã cổ phiếu trong ngành sẽ hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ như cổ phiếu VHC và khả năng cạnh tranh cao như cổ phiếu FMC cho đầu tư trung và dài hạn", theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt.
Báo cáo tài chính hợp nhất công bố ngày 6/5 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), quý 1/2024 doanh nghiệp thu về 2.750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng 25%, đạt 2.504 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong quý của doanh nghiệp ở mức 246,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính và chi phí tài chính giảm lần lượt 56% và 10%, đạt 16,3 tỷ đồng và 48,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp lại tăng 25%, đạt 168,1 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lãi ròng hợp nhất của Minh Phú đạt mức 7,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận lỗ 98 tỷ đồng. Theo MPC, có sự tăng trưởng vượt trội về lãi so với quý trước do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của doanh nghiệp bắt đầu có hiệu quả.
Thực phẩm Sao Ta cũng báo lãi tăng mạnh trong quý 1 vừa qua. Sản lượng tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta quý ghi nhận hơn 4.607 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó thu về 49,5 triệu USD, tương đương 1.461 tỷ đồng.
Sau khấu trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng (30 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (20 tỷ đồng), FMC lãi trước thuế hơn 57 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Sau khi trừ thuế, FMC báo lãi ròng quý 1/2024 đạt 50 tỷ đồng, tăng 14%.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn gặp khó với nguồn tôm đến từ Ecuador. Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Ecuador, với 19.659 tấn trong tháng 2/2023; tăng 30% về khối lượng và 27% về giá trị so với năm trước. Tuy nhiên, giá trung bình tôm Ecuador tại thị trường này lại giảm 3% xuống còn 5,97 USD/kg.
Xem thêm tại vneconomy.vn