Cổ phiếu trong hệ sinh thái Bamboo Capital vẫn vững vàng đi lên bất chấp thị trường ‘đỏ lửa’
Trong đó, cổ phiếu BCG tiếp tục nhận được sự ưu ái của dòng tiền, đẩy khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,6 triệu đơn vị, chễm chệ nằm trong nhóm Top thanh khoản của thị trường. Chốt phiên, cổ phiếu này dừng ở mức 9.590 đồng/cp.
Không chỉ BCG, mà các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái Bamboo Capital là TCD (CTCP Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải) và BCR (BCG Land) cũng đi lên với giá chốt phiên lần lượt là 7.320 đồng/cp và 7.000 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu BCG trong phiên 30/5. |
Trước đó, trong phiên 29/5, cổ phiếu BCG gây ấn tượng mạnh khi bất ngờ nhận được lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo thị giá cổ phiếu tăng lên mức kịch trần 9.310 đồng/cp với thanh khoản 27,55 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 1,84 triệu đơn vị. Thanh khoản của BCG chỉ đứng sau EIB và POW.
Hai cổ phiếu TCD và BCR cũng "tạo sóng" khi đều đóng cửa ở mức kịch trần với thanh khoản tăng mạnh. Trong đó, TCD leo lên mức 7.190 đồng/cp, khớp 4,33 triệu đơn vị; BCR lên 6.600 đồng/cp, khớp 7,81 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần.
Theo các đánh giá mới đây của Chứng khoán Tiên Phong, tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2025 trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào các lĩnh vực này.
Hiện, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng là nhóm ngành tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong những năm gần đây. Do đó, sự phục hồi của nhóm ngành này với trợ lực từ dòng vốn FDI sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ điện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với việc Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã được thông qua và đi vào thực hiện, mảng năng lượng tái tạo sẽ là một trong những nhóm ngành điện hưởng lợi lớn nhất.
Đáng chú ý, điện gió sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là điện gió ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng.
Quy hoạch Điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2030 quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Đồng thời, dự kiến đến năm 2030, sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt và dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Trong khi đó, nhóm nguồn điện truyền thống như thủy điện gần như phát triển không đáng kể do đã gần hết dư địa.
Theo đó, các doanh nghiệp có mảng năng lượng tái tạo với công suất quy mô lớn như Tập đoàn Bamboo Capital sẽ hưởng lợi trực tiếp trong dài hạn theo Quy hoạch Điện VIII.
Nhiều công ty chứng khoán nhận định Tập đoàn Bamboo Capital đang có triển vọng vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ loạt dự án điện gió với tổng công suất lên đến hơn 900 MW nằm trong danh sách ưu tiên thực hiện của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Tập đoàn này đang là nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn hàng đầu Việt Nam.
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn