Cổ phiếu “trùm” kinh doanh bảo hiểm bốc đầu sau khi chốt quyền cổ tức, câu chuyện thoái vốn Nhà nước lại nóng?
Chỉ sau 3 phiên, cổ phiếu bảo hiểm này đã tăng hơn 17% qua đó leo lên mức 52.100 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán những phiên gần đầy chứng kiến cú bứt phá mạnh mẽ và có phần bất ngờ của cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH). Chỉ sau 3 phiên, cổ phiếu này đã tăng hơn 17% qua đó leo lên mức 52.100 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Vốn hóa thị trường cũng theo đó đạt xấp xỉ 39.000 tỷ đồng, tăng 35% so với hồi đầu năm 2024.
Cổ phiếu tăng mạnh mang lại niềm vui lớn cho cổ đông. Đặc biệt, chỉ ít ngày trước khi cổ phiếu bứt tốc, Bảo Việt đã chốt danh sách để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 10,037% vào ngày 19/11. Với hơn 742,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bảo Việt dự chi khoảng 745 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 20/12 tới đây.
Không thể phủ nhận thông tin cổ tức tác động khá tích cực đến diễn biến cổ phiếu. Tuy nhiên, mức cổ tức không quá đột biến, khó có thể là chất xúc tác cho đà tăng mạnh mẽ của BVH gần đây. Giới đầu tư kỳ vọng vào động lực lớn hơn, có thể là câu chuyện thoái vốn Nhà nước đã được bàn luận tại nhiều kỳ ĐHĐCĐ thường niên.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Bảo Việt cho biết, tập đoàn sẽ xây dựng kế hoạch và trình cổ đông về việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ năm 2026 trở đi. Hiện tại, Bộ Tài chính đang nắm giữ hơn 482,5 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 65% vốn của Bảo Việt. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 22,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3% vốn.
Kế hoạch thoái vốn Nhà nước cũng từng được Bảo Việt tiết lộ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, ban lãnh đạo Bảo Việt cho biết sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51% bằng cách tăng tỷ lệ góp vốn của các cổ đông khác và/hoặc phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất của tập đoàn.
Một báo cáo từ Vietcap sau ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Bảo Việt cho biết ban lãnh đạo tập đoàn có thể sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51% từ năm 2026 bằng cách (1) tăng tỷ lệ góp vốn của các cổ đông khác và/hoặc (2) phát hành riêng lẻ. Theo Vietcap, trong giai đoạn 2023-2025, BVH sẽ lên kế hoạch trình cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và tăng vốn điều lệ để tăng tính linh hoạt trong huy động vốn.
Sau khi giảm sở hữu Nhà nước, Bộ Tài chính vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất của Bảo Việt đồng thời dòng vốn mới sẽ giúp công ty củng cố vị thế về vốn và hỗ trợ mảng kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng các yêu cầu về mô hình quản lý vốn dựa trên rủi ro theo Luật Bảo hiểm mới. Mặt khác, cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản là Sumitomo Life (nắm 22% cổ phần) cũng cho biết sẽ tích cực xem xét tăng đầu tư vào Bảo Việt trong thời gian tới.
Bên cạnh những câu chuyện riêng, cổ phiếu Bảo Việt còn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Theo báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong quý 3/2024, doanh thu khai thác mới của toàn thị trường đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự tăng trưởng này là minh chứng cho niềm tin đã dần hồi phục, dù vẫn còn nhiều chặng đường phía trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang cải tiến dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ quy trình đơn giản hóa đến việc đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện quyền lợi, điều này không chỉ giúp thị trường vượt qua khó khăn mà còn tạo niềm tin bền vững trong cộng đồng”, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký IAV nhận định.
Với riêng Bảo Việt, trong 9 tháng đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 42.122 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.965 tỷ đồng và 1.619 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 14,7% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 30/9 đạt 238.219 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm.
Xem thêm tại markettimes.vn