Cổ phiếu VHM vượt đỉnh 12 tháng, kéo VN-Index xanh
Độ rộng toàn sàn HoSE cũng như trong rổ blue-chips VN30 thể hiện sự áp đảo ở phía giảm, nhưng VN-Index sáng nay vẫn tăng 1,97 điểm (+0,15%) nhờ sức mạnh của nhóm cổ phiếu VHM, VIC và VRE. Đặc biệt VHM được sự hỗ trợ của hoạt động mua cổ phiếu quỹ đã tăng 4,2% lên mức cao nhất 12 tháng, đóng góp tới hơn 2 điểm cho chỉ số.
Diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu “họ Vin” nổi bật ngay từ đầu, bất chấp thị trường giằng co trồi sụt liên tục. VN-Index chạm đáy lúc 10h50 giảm gần 3 điểm với độ rộng cực hẹp 88 mã tăng/217 mã giảm thì nhóm VHM, VIC, VRE vẫn tăng. Đến khi các trụ này bứt phá, VN-Index lội ngược dòng liên tục, chốt phiên sáng tăng 1,97 điểm tương đương +0,15% so với tham chiếu dù độ rộng cũng chỉ là 121 mã tăng/207 mã giảm.
VHM chốt phiên sáng đã vượt qua đỉnh cao hồi tháng 2/2024 và lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng. Thông tin mua cổ phiếu quỹ là chất xúc tác quan trọng vì khối lượng mua rất lớn. Điều này cũng tác động lan tỏa đến những cổ phiếu khác, với VIC đang tăng 1,56% và VRE tăng 1,87%. Chỉ riêng VHM đã đem lại hơn 2 điểm cho chỉ số và “combo” 3 mã này đem lại gần 2,9 điểm, tức là còn nhiều hơn cả mức tăng tổng của VN-Index.
VN30-Index cũng hưởng lợi từ diễn biến này dù nhóm Vin không phải là trụ lớn nhất. VHM đem về 2,5 điểm cho VN30-Index và tổng 3 mã là 3,5 điểm trong khi chỉ số này tăng 2,64 điểm. Độ rộng rổ VN30 kết phiên ghi nhận 12 mã tăng/13 mã giảm, là sự phục hồi khá tích cực. Thời điểm chỉ số này tạo đáy chỉ có 3 mã tăng là VCB, VHM và VIC. Tất cả các cổ phiếu trong rổ VN30 đều đang tăng khá tốt so với mức thấp nhất trong phiên sáng. Ngay sự thay đổi trong độ rộng cũng thể hiện điều này. Thống kê có 6 mã phục hồi trên 1% so với đáy.
Độ rộng tổng thể sàn HoSE lúc chốt phiên vẫn nghiêng mạnh về phía giảm nhưng sức ép không lớn. Trong 207 mã đỏ, có 60 mã giảm hơn 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm 10,5% tổng giá trị khớp của sàn. Nhóm này có 11 mã thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên với duy nhất HCM là trên 100 tỷ, đạt 128,5 tỷ đồng, giá giảm 1,15%. MSB, GMD, VJC, PAN là các mã khác thanh khoản quanh 40 tỷ đồng, số còn lại đều giao dịch rất ít.
Phía tăng giá cũng không thật sự ấn tượng, một phần vì quá trình phục hồi khá chậm chạm nên biên độ đi lên còn hẹp. Trong 121 mã xanh, có 46 mã tăng hơn 1%, tập trung 31,3% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Hơn một nửa thanh khoản của nhóm này dồn vào VHM, VIC và VRE (chiếm 51%). Vài mã khác giao dịch đáng kể là EIB tăng 3,34% thanh khoản 239,6 tỷ; DXG tăng 2,49% khớp 202,3 tỷ; ORS tăng 1,41% khớp 63,3 tỷ; PDR tăng 1,44% khớp 61,8 tỷ; CTD tăng 2,68% khớp 61,5 tỷ.
Nhìn chung diễn biến thị trường sáng nay chậm và chỉ số phục hồi có yếu tố kéo trụ khá rõ. Dù vậy khả năng đảo chiều cũng như thu hẹp biên độ giảm ở cổ phiếu cung xuất hiện ở diện rộng. Khi đi kèm với mức thanh khoản nhỏ, đây là tín hiệu của áp lực bán nhẹ và nhờ đó dòng tiền hạn chế cũng nâng được giá lên. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay giảm 22% so với phiên trước. Nếu tính cả HNX, thanh khoản hai sàn giảm 21%.
Hiện thị trường đang xuất hiện khá nhiều báo cáo lợi nhuận quý 3/2024 tích cực. Dù điều này không tạo động lực thay đổi giá mạnh mẽ thì cũng giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và không cần phải bán tháo cổ phiếu. Thực tế lợi nhuận quý 3 là yếu tố nền tảng tốt vì triển vọng quý 4 tăng trưởng còn tốt hơn nữa. Trừ các nhà đầu cơ ngắn hạn mua bán lướt sóng, các nhà đầu tư dài hạn không có lý do gì chịu sức ép phải thanh lý danh mục khi xu hướng tăng trưởng lợi nhuận là rõ ràng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giao dịch khá chậm vào đảo chiều mua ròng nhẹ 86 tỷ đồng trên sàn HoSE. VHM được mua đột biến 118,2 tỷ đồng ròng. Ngoài ra DXG +39,2 tỷ, VRE +28,1 tỷ, MSN +25,1 tỷ, VPB +20,3 tỷ cũng khá tốt và đều có giá tiến triển thuận lợi. Phía bán ròng có STB -37,5 tỷ, KDH -28,6 tỷ, HPG -21,2 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVDVND -27,1 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn