Cổ phiếu VTP tăng trần, giá trị vốn hóa của Viettel Post lần đầu vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VTP đã tăng gần 50%. Đáng chú ý, dù ở mức giá cao nhất lịch sử (đã điều chỉnh) nhưng cổ phiếu này vẫn "cháy hàng", dư mua giá trần gần 285.000 đơn vị. Kéo theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của Viettel Post lập kỷ lục hơn 10.200 tỷ đồng, gấp 3,5 lần thời điểm một năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên, giá trị của "gã khổng lồ" ngành dịch vụ chuyển phát vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

-4305-1710317276.jpg

Giá trị vốn hóa của Viettel Post lập kỷ lục hơn 10.200 tỷ đồng.

Viettel Post có vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Hệ sinh thái logistics của Viettel Post dựa trên nền tảng hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, cung cấp đầy đủ dịch vụ như: chuyển phát, supply chain (kho, vận tải vận chuyển, forwarding…), thương mại điện tử xuyên biên giới…

Viettel Post đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 23/11/2018 với mã chứng khoán VTP. Giá chào sàn phiên giao dịch đầu tiên của VTP là 68.000 đồng/cp, tương ứng mức định giá gần 3.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 5 năm lên sàn, vốn hóa của Viettel Post đã tăng 240% so với thời điểm ban đầu.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Viettel Post ghi nhận doanh thu đạt 19.732 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 35%, lên gần 876 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Viettel Post lãi ròng hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022.

Năm 2024, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu 13.847 tỷ đồng, giảm 29% so với mức thực hiện của 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.

Không chỉ cổ phiếu VTP mà các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Viettel cũng đang có khoảng thời gian thăng hoa với doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục mới, cổ phiếu tăng gấp nhiều lần.

Cổ phiếu CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction) là cổ phiếu gây chú ý thời gian qua khi liên tục phá đỉnh, gia nhập "câu lạc bộ" những mã chứng khoán có thị giá ba chữ số trên sàn.

Kết phiên 13/3, CTR vươn lên mức giá 119.600 đồng/cp, chính thức phá đỉnh cũ (ở vùng hơn 90.000 đồng/cp) vào giữa tháng 1 vừa qua và từ đó đến nay đã tăng hơn 30%.

Còn so với cách đây một năm, CTR cho hiệu suất đầu tư lên tới 120%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục gần 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với thời điểm một năm trước.

Đối với cổ phiếu VGI của Viettel Global, dù chưa chạm đến mức đỉnh cao trong quá khứ, song với thị giá 39.000 đồng/cp, cổ phiếu này cũng đã tiến đến gần vùng đỉnh với mức tăng hơn 50% kể từ đầu năm. Theo đó, vốn hóa thị trường hiện tại của Viettel Global đạt gần 116.800 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD.

Tương tự, cổ phiếu VTK của Viettel Consultancy cũng ghi nhận mức tăng tốt, gần 23% để lên 56.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã bứt phá hơn 43%.

Mặc dù sở hữu nhiều động lực tăng trưởng ấn tượng, song đối với nhóm cổ phiếu "họ Viettel", chuyên gia cũng lưu ý một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà đầu tư tránh "say sóng".

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu “họ Viettel” đang ở giai đoạn tăng trưởng nóng từ ảnh hưởng của tin tức và đường giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tránh hiệu ứng fomo (sợ bỏ lỡ) và tập trung vào mức định giá thị trường của cổ phiếu.

"Khi được giao dịch vượt 15-20% mức giá trị hợp lý, các cổ phiếu sẽ bị overvalued (định giá quá cao) và không còn hấp dẫn nữa. Đơn cử như VTP hay CTR, trong ngắn hạn, dư địa để tăng trưởng là không còn nhiều. Thời gian tới, các nhà đầu tư cần cẩn thận và tỉnh táo với áp lực chốt lời mạnh", ông Minh lưu ý.

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, với các tài khoản có mức sinh lời trên 20% nên sớm cân đối danh mục đầu tư, tránh tăng tỷ lệ sở hữu tại thời điểm định giá cổ phiếu đang tăng trưởng nóng.

Đáng chú ý, đối với tài khoản margin (ký quỹ), các nhà đầu tư cũng cần điều chỉnh hạ tỷ lệ nhằm tránh thua lỗ khi động thái bán ra xuất hiện.

Về dài hạn, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta vẫn kỳ vọng vào dư địa phát triển của nhóm cổ phiếu “họ Viettel”, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn như VNPT hay Vinaphone chưa lên sàn chứng khoán.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn