Cổ phiếu “vua” chưa đủ kéo VN-Index; xử phạt loạt tổ chức vi phạm công bố thông tin
Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng, vẫn chưa đủ kéo VN-Index “bay cao”
Dù khởi đầu tuần mới khá ấn tượng khi vượt mốc 1.160,19 trong phiên thứ Hai, tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư cùng tâm lý thận trọng trước thông tin CPI Mỹ đã kéo VN-Index gần như đi ngang trong cả tuần. Khép lại tuần qua, chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mức 1.154,7 điểm, tăng 0,02 điểm so với tuần trước. Chỉ số HNX-Index giảm 1,1% xuống 230,31 điểm và UPCOM-Index giảm 1,1% về mức 86,9 điểm.
Tuần qua, nhóm ngành ngân hàng đã dần hé lộ kết quả kinh doanh ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Tính chung cả tuần, các cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước đều tăng mạnh. Trong đó, VCB tăng 2,9%, CTG tăng 8,2%, BID tăng 3,4%. Ngược lại, nhóm cổ phiếu VHM (-4,2%), GVR (-6,4%) và GAS (-2,7%) gây áp lực lên chỉ số chung.
Phiên điều chỉnh ngày 12/1 đã kéo VN-Index đi ngang trong tuần |
Riêng ông lớn ngân hàng Vietcombank đã có thời điểm trong tuần vượt mốc vốn hoá thị trường nửa triệu tỷ đồng, nhưng đã để tuột mốc này sau phiên điều chỉnh hôm thứ Sáu.
Cổ phiếu ngân hàng là các nhân tố chính dẫn dắt đà hồi phục của các chỉ số chứng khoán, đặc biệt ở những ngày đầu tuần. Trong khi đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đa số chịu áp lực điều chỉnh với nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng mạnh kém tích cực như FIR (-19,71%), HDG (-7,06%), HDC (-6,69%), HD6 (-6,58%), NHA (-6,21%).... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng chịu áp lực điều chỉnh với GVR (-6,42%), DTD (-5,43%), TIP (-5,24%), SZC (-4,10%)... ngoài D2D (+2,97%), IDC (+1,35%), IDV (+1,08%)... Các cổ phiếu dầu khí đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh với PSH (-11,36%), PVB (-4,29%), PVC (-4,00%), PVS (-3,66%)...
Do vậy, dù có sự hỗ trợ bởi nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang sau tuần khai xuân nằm trong top đầu chỉ số tích cực nhất thế giới về điểm số. Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2401 kết thúc tuần giảm nhẹ ở mức 1.165,9 điểm, chênh lệch dương 2,24 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch tăng dần lên mức trung bình, cho thấy cấc vị thế mua, đầu cơ trong phiên gia tăng tốt.
Điểm nhấn thanh khoản và sự trở lại của vốn ngoại
Tuy vậy, thị trường chứng khoán tuần qua lại ghi nhận điểm nhấn về thanh khoản. Theo thống kê của khối phân tích VNDIRECT, giá trị giao dịch đã tăng mạnh 25,5% so với tuần trước, đạt bình quân 18.664 tỷ đồng/phiên, thể hiện sự tích cực của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại. Tuần này, đã xuất hiện phiên khối ngoại dừng bán ròng và chuyển sang mua ròng nhẹ. Mức bán ròng của khối ngoại tuần này 609 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng qua phương thức thoả thuận, khối ngoại đã mua ròng hơn 120 tỷ đồng. Khá nhiều cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại gom mua như VCB, STB, VPB... Trong khi đó, nhóm này tiếp tục bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND (gần 420 tỷ đồng).
Dấu ấn trên thị trường chứng khoán tuần qua là sự trở lại của dòng tiền khi thanh khoản bật tăng mạnh cùng diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng - Ảnh: Đức Minh |
Đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia. Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT, với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới. Trong khi thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế, xu hướng tăng của thị trường có thể khó được duy trì.
Cùng đó, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, ông Hinh cho rằng giá vàng vẫn đang neo cao cùng áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát.
Chứng khoán Đại Việt bị phạt vì không duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ và chây ỳ lên sàn
Cuối tuần qua, Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã quyết định phạt tiền 85 triệu đồng đối với hành vi không duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ của Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt. Công ty đã không ban hành các quy định, thủ tục và bố trí nhân sự để duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Ngoài ra, dù đã là công ty đại chúng từ ngày 04/10/2007, Chứng khoán Đại Việt không thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. UBCKNN đã áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền 350 triệu đồng. Đồng thời, công ty cũng bị buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Loạt doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin
Ngày 11/01/2024, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt đối với CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) do vi phạm về công bố thông tin với tổng mức phạt tiền là 267,5 triệu đồng.
Theo đó, SJF bị phạt 175 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý II và quý IV/2022 có nội dung sai lệch ở chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Ngoài phạt hành chính, UBCKNN yêu cầu SJF phải cải chính thông tin đối với nội dung sai lệch.
Công ty còn bị phạt tiền 92,5 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét; và công bố không đúng thời hạn theo quy định báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2022 đã được soát xét, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất các quý IV/2022, quý II/2023 và quý III/2023.
Ngày 9/01/2024, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt đối với CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HOdeco, HDC) với tổng mức phạt tiền là 235 triệu đồng.
Công ty bị phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Ngoài ra, do công ty không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính năm 2021 và tài liệu báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên năm 2022. Mức phạt cho hành vi trên là 25 triệu đồng/lượng.
Vi phạm bị xử phạt mạnh tay nhất là công bố thông tin sai lệch với mức phạt tiền 150 triệu đồng. Cụ thể, công ty công bố thông tin không đúng thời hạn về Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022; công bố thông tin sai lệch về số liệu tỷ lệ sở hữu trình bày tại thuyết minh Báo cáo tài chính riêng năm 2022. Trong khi công ty sở hữu 100% Công ty TNHH MTV Quản lý Bất động sản và Dịch vụ Hodeco, thuyết minh về Đầu tư tài chính dài hạn tạ trang 29 ghi nhận Công ty sở hữu 80% (tương đương 8 tỷ đồng) công ty con nêu trên.
Xem thêm tại baodautu.vn