Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC): Nguy cơ về đáy 9 năm?
Kết phiên 26/7, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình giảm 0,6% về mức 7.250 đồng; khớp lệnh 475.000 đơn vị.
Đáng nói, ngay kết phiên, Hòa Bình bất ngờ nhận "tráp phạt" từ Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE) khi cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (-3.240 tỷ đồng) - vượt quá số vốn điều lệ thực góp (2.741 tỷ đồng).
Tin ra cuối phiên khiến cổ phiếu HBC tránh được một pha giảm mạnh, thậm chí giảm sàn.
Trước đó, cổ phiếu HBC cũng giảm mạnh từ mức 8.100 về 7.160 đồng/cp trong ba phiên 19-13/7.
Tạm tính, chỉ nửa năm kể từ thời điểm hơn 347 triệu cổ phiếu HBC được HoSE đưa ra khỏi diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch (nhưng vẫn trong diện kiểm soát), tin xấu lại xuất hiện với cổ phiếu của doanh nghiệp Top đầu ngành xây dựng và những cổ đông.
Thậm chí, trong 6 tháng qua, dù được giao dịch toàn thời gian song giá cổ phiếu HBC gần như "tăng ngược", từ mức 9.280 đồng/cp (phiên 19/1) hiện đã giảm gần 22%.
Diễn biến giá cổ phiếu HBC |
Với "tin dữ" về việc cổ phiếu HBC sắp bị hủy niêm yết và dự kiến về UPCoM trong tháng 8 tới, niềm vui của gần 38.200 cổ đông HBC (số liệu giữa tháng 1/2024) là thực sự ngắn ngủi. Nói vậy bởi Hòa Bình vừa báo tin vui với khoản lãi sau thuế kỷ lục 684,4 tỷ đồng trong quý II/2024. Đây cũng là quý có lãi thứ ba liên tiếp kể từ sau biến cố xung đột ghế quyền lực hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023 tại doanh nghiệp Top đầu nhóm thầu xây dựng này.
Hành trình gần hai thập kỷ niêm yết trên HoSE (từ tháng 12/2006) của Xây dựng Hòa Bình sắp bị đứt mạch mà không cần phải đợi thêm khoản lỗ kiểm toán năm 2024 (năm kinh doanh thua lỗ thứ ba liên tiếp - nếu xảy ra).
Một nhịp điều chỉnh là điều khó tránh ở cổ phiếu HBC trong những phiên tới - kịch bản quen thuộc đối với hầu hết cổ phiếu rơi vào tình cảnh tương tự trước đây. Cần nhấn mạnh rằng, cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình đang rất gần mức thấp nhất 4 năm (6.540 đồng/cp ghi nhận trong phiên 1/11/2023).
Thậm chí, nếu thủng mức 5.200 đồng, HBC sẽ về mức đáy 9 năm.
Trước đó, cú rơi kể từ ngưỡng 31.900 đồng hồi đầu năm 2022 đến nay đã khiến thị giá HBC giảm tới 77%, vốn hóa "bốc hơi" còn gần 2.520 tỷ.
Nhìn vào tình cảnh của Hòa Bình, hồi tháng 5/2023, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn chứng khoán từng chia sẻ câu chuyện "Thà đu đỉnh BMP giá 87 còn hơn bắt đáy HBC giá 8.7".
Quyết tâm trở lại HoSE sớm nhất có thể
Lên tiếng ngay sau thông tin hủy niêm yết từ HoSE, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC cho biết, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục tình hình tài chính, bao gồm tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp.
Đóng góp cho tăng trưởng lợi nhuận bán niên 2024 đến từ khoản đột biến 518 tỷ đồng "lợi nhuận khác" - gấp hơn 87 lần cùng kỳ |
Cụ thể, với 73 triệu cổ phiếu phát hành thành công, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 2.741 tỷ đồng lên 3.472 tỷ đồng.
Những nỗ lực tái cấu trúc đã mang lại kết quả tích cực. Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu của xây dựng Hòa Bình đạt 3.811 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 740 tỷ đồng. Nhờ đó, lỗ lũy kế giảm từ 3.240 tỷ đồng xuống còn 2.498 tỷ.
Ông Hải khẳng định, nếu căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024, với vốn điều lệ tăng và lỗ lũy kế giảm, điều kiện huỷ niêm yết do tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp không còn tồn tại.
Hòa Bình sẽ cố gắng đưa cổ phiếu quay lại niêm yết trên HoSE ngay khi đủ điều kiện, đồng thời vẫn thực hiện công bố thông tin trên UPCoM đầy đủ để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn