Cơ sở nào để Bầu Đức, Minh Phú... đặt mục tiêu kiếm lợi nhuận ngàn tỉ?
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG, mã cổ phiếu GVR), một doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán, đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt là 24.999 tỉ đồng và 3.437 tỉ đồng.
VRG có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến, kinh doanh cao su, chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su và kinh doanh các KCN trên đất cao su của VRG chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt.
Cơ sở để tập đoàn này đưa kế hoạch kinh doanh cao ngất ngưởng đó là giá cao su đang phục hồi tốt giúp tăng trưởng doanh thu. Theo các chuyên gia, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024- 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600.000-800.000 tấn mỗi năm do diện tích trồng tại Thái Lan, Indonesia sụt giảm.
Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tập đoàn nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp trở thành "con gà đẻ trứng vàng" với nhiều doanh nghiệp. Trong khi VRG có quỹ đất khu công nghiệp rất lớn, gồm khoảng 6.000ha từ đất cao su có thể chuyển đổi thành đất khu công nghiệp và diện tích cơ sở hạ tầng khoảng 15.000ha trong giai đoạn 2020-2023. GVR có quỹ đất cao su lớn tại Việt Nam, quy mô ~280.000ha và có kế hoạch chuyển khoảng 40.000ha sang đất KCN vào năm 2020-2023. Công ty hiện tập trung vào 8 dự án với tổng diện tích khoảng 2.900ha, khi các dự án được vận hành, doanh thu và lợi nhuận của GVR sẽ được cải thiện mạnh mẽ.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (mã cổ phiếu MPC) – chuyên về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm và các ngành phụ trợ vừa đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024 vượt mức 1.000 tỉ đồng dù năm trước đó đại gia ngành tôm này thua lỗ tới 111 tỉ đồng.
Cơ sở cho kế hoạch kinh doanh năm 2024 của "vua tôm" Minh Phú nằm ở công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO. Công nghệ này giúp Minh Phú giảm chi phi hóa chất xử lý nước trên 95%, chi phí điện giảm 50-70%, chi phí thức ăn tôm giảm trên 30%... Từ đó giúp giảm giá thành nuôi được 30-50%. Minh Phú xem công nghệ này này là chìa khóa giúp công ty "mở ra một giai đoạn phát triển mới rực rỡ".
Một công ty nông nghiệp khác là Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã cổ phiếu HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT, dù chưa công bố chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2024 nhưng với mục tiêu trả hết nợ vào năm 2026, chắc chắn con số này sẽ phải hơn 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp của Bầu Đức ghi nhận tổng doanh thu 6.442 tỉ đồng, tăng 26% so với năm trước và lợi nhuận ròng đạt 1.664 tỉ đồng, tăng 47% và cao nhất trong nhiều năm.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 vừa được doanh nghiệp này công bố, bầu Đức cho biết năm 2024, HAGL sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối để nâng tổng diện tích chuối lên 9.000 ha và trồng thêm 500 ha sầu riêng, nâng tổng diện tích sầu riêng lên 2.000 ha. HAGL hiện đang sở hữu 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 24.000 con heo nái và 600.000 con heo thịt.
"Năm 2030, HAGL sẽ trở thành công ty về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với quy mô 30.000 ha và vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra toàn khu vực châu Á" – bầu Đức viết trong thông điệp gửi cổ đông.
Xem thêm tại cafef.vn