Trong ngày 04/04, HOSE đồng thời đưa ra 2 quyết định đối với cổ phiếu CIG. Thứ nhất, HOSE đưa cổ phiếu CIG vào diện bị cảnh báo từ ngày 11/04 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất năm 2023 của Công ty.
Thứ hai, HOSE chuyển cổ phiếu CIG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 11/04 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023) là số âm.
Theo văn bản giải trình mới đây của CIG, cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ là lỗ lũy kế, các khoản nợ thuế và nợ ngân hàng đến thời điểm 31/12/2023 chủ yếu phát sinh từ giai đoạn trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thứ nhất, lỗ lũy kế của CIG tại ngày 31/12/2023 là hơn 302 tỷ đồng (gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu) chủ yếu do giá vốn các công trình thi công và trích lập dự phòng phải thu từ các công trình trước giai đoạn cổ phần hóa.
Thứ hai, các khoản nợ thuế và phạt chậm nộp thuế đến 31/12/2023 là gần 13 tỷ đồng. Các khoản nợ thuế và phạt chậm nộp này phát sinh từ khoản nợ thuế tồn đọng từ giai đoạn là doanh nghiệp có vốn nhà nước (năm 2016 trở về trước) là hơn 50 tỷ đồng. Sau giai đoạn cổ phần hóa, Công ty đã thanh toán nghĩa vụ với cơ quan thuế từ năm 2016 đến tháng 3/2024 hơn 62 tỷ đồng.
Thứ ba, khoản vay quá hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 128,1 tỷ đồng chủ yếu của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam phát sinh trong giai đoạn trước khi cổ phần hóa. Công ty và Ngân hàng đã thống nhất về phương án tái cấu trúc khoản nợ, đồng thời các bên đang tích cực phối hợp để thực hiện theo lộ trình về phương án trả nợ đối với khoản nợ vay này.
Với những vấn đề này, kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt hoạt động liên tục của Công ty.
CIG cho biết, hiện nay các nguồn thu thường xuyên của Công ty các năm đủ đảm bảo vốn lưu động cho các hoạt động thường xuyên.
Ngoài ra, Coma 18 đang tích cực tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thế mạnh của Công ty trong lĩnh vực xây lắp và mở rộng thêm các lĩnh vực khác như thương mại, vật liệu xây dựng… Công ty còn tích cực chủ động thu hồi các khoản công nợ, chủ động đàm phán với nhà cung cấp, lên phương án cơ cấu khoản công nợ.
Về phương án khắc phục lỗ lũy kế của Công ty, ban lãnh đạo quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh của Công ty năm 2024, đồng thời phối hợp với UBND Tỉnh Hải Dương, UBND Huyện Kim Thành, Ban Quản Lý KCN đưa dự án KCN Kim Thành – Hải Dương đi vào hoạt động. Dự kiến khi dự án này đi vào hoạt động chính thức, Công ty sẽ không còn lỗ lũy kế và chia cổ tức cho các cổ đông.
CIG đang đẩy mạnh hoàn thành giai đoạn I của dự án. Dự kiến, quý IV/2024, Công ty bắt đầu tiến hành bàn giao mặt bằng cho khách hàng. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thi công xây dựng hạ tầng. Công ty đã giải ngân vào dự án KCN Kim Thành là 168 tỷ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng đã chuyển cho Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành – Hải Dương là 159 tỷ đồng (căn cứ theo số liệu kế toán tại thời điểm 25/3/2024).
Lợi ích thu được từ KCN Kim Thành được dùng để thanh toán các khoản công nợ tồn đọng và động lực để Công ty trong giai đoạn tới. Ngoài ra, khi dự án đi vào hoạt động, nguồn thu hàng năm từ phí quản lý và vận hành sau khi đã trừ đi chi phí quản lý dự kiến là 40 tỷ đồng/năm.
Trên thị trường, trong phiên sáng 10/4, cổ phiếu CIG đang tăng trên dưới 4% và giao dịch quanh mức giá 5.800 đồng/CP.