Cơn bão mùa hè làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu

Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và Nhật Bản đã lao dốc vào ngày 2/8 và 5/8 trước khi phục hồi một phần, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và các tiền tệ trên toàn cầu dao động mạnh. Minh họa cho sự lo lắng của các nhà đầu tư, chỉ số đo lường về sự biến động ​​của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2020.

Ben Powell, chiến lược gia đầu tư khu vực APAC và Trung Đông thuộc Viện đầu tư BlackRock cho biết: "Một số động thái mà chúng tôi đã thấy trong vài ngày qua là mang tính lịch sử".

“Dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ công bố trong tuần qua có thể đã châm ngòi cho sự lo lắng gần đây của thị trường, nhưng cũng có rất nhiều yếu tố gây bùng nổ", ông cho biết thêm.

Cổ phiếu Nhật Bản biến động mạnh

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh đầu năm 2024

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh đầu năm 2024

Thị trường Nhật Bản đã ở tâm điểm của cơn bão bán tháo, một phần là do thị trường này đã trải qua một đợt tăng mạnh trong năm nay. Ba tuần trước, chỉ số Topix đã đạt mức cao kỷ lục khi được thúc đẩy bởi sự quan tâm mới đối với cổ phiếu Nhật Bản trong số các nhà đầu tư quốc tế.

Nhưng nhiều cổ phiếu trong số đó đã nhanh chóng giảm mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần trước tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008, gây ra một đợt tăng giá chớp nhoáng của đồng yên.

Khi đồng yên mạnh lên, chỉ số Topix đã giảm mạnh 12,2% vào ngày 5/8 và là phiên bán tháo mạnh nhất kể từ "Thứ Hai đen tối" vào tháng 10/1987. Chỉ số này đã phục hồi 9% vào ngày hôm sau nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần đây.

Cổ phiếu công nghệ lao dốc

Các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán tháo

Các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán tháo

Cổ phiếu công nghệ lớn đã chịu tổn thất trong mùa báo cáo lợi nhuận gần đây, vì lĩnh vực đã thúc đẩy phần lớn mức tăng của Phố Wall trong năm nay đã không đáp ứng được kỳ vọng cao ngất ngưởng của các nhà đầu tư.

Khi bị cuốn vào đợt bán tháo toàn cầu gần đây, khoảng 1.000 tỷ USD vốn hoá thị trường của Magnificent 7 - Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla - đã bị xoá sổ chỉ trong hai ngày.

Freya Beamish, nhà kinh tế trưởng tại TS Lombard cho biết: "Chính thị trường chứng khoán chứ không phải nền kinh tế Mỹ cần được điều chỉnh…Bong bóng trên thị trường là rõ ràng, với sự phụ thuộc lớn vào một số ít cổ phiếu định giá rất cao”.

Tất cả cùng một lúc

Mối tương quan giữa các cổ phiếu thuộc S&P 500

Mối tương quan giữa các cổ phiếu thuộc S&P 500

Đợt bán tháo diễn ra trong 2 ngày đã lan rộng ra ngoài lĩnh vực công nghệ, kéo theo các ngân hàng, công nghiệp, vốn hóa nhỏ và các công ty tiêu dùng, đây là một sự sụt giảm lớn hơn nhiều so với các đợt điều chỉnh trước đó của thị trường trong năm nay.

Chỉ số đo lường về mức độ mà các cổ phiếu Mỹ tăng hoặc giảm cùng nhau đã tăng vọt, khi các cổ phiếu trên toàn thị trường lao dốc cùng thời điểm.

Theo chiến lược gia Gerry Fowler của UBS, điều đó hoàn toàn trái ngược với đầu mùa hè này, khi mối tương quan giảm xuống mức thấp kỷ lục, giúp làm giảm sự biến động của thị trường và đưa các nhà đầu tư vào trạng thái “tự mãn”.

Thước đo nỗi sợ hãi chỉ số VIX tăng cao nhất kể từ năm 2020

Thước đo nỗi sợ hãi chỉ số VIX tăng cao nhất kể từ năm 2020

Mức độ hoảng loạn đã xuất hiện trong chỉ số VIX về sự hỗn loạn của chỉ số S&P 500, thường được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall. Chỉ số này tăng vọt lên mức cao nhất kể từ giai đoạn đầu của đại dịch năm 2020 khi các nhà đầu tư phản ứng với những biến động mạnh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ

Chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm

Chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm

Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ đã phát đi tín hiệu cảnh báo về nền kinh tế trong hơn hai năm.

Đường cong lợi suất "đảo ngược" - khi chi phí đi vay kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn chi phí đi vay kỳ hạn 10 năm - thường báo hiệu một cuộc suy thoái đang đến gần. Trước khi cuộc suy thoái thực sự xảy ra, sự đảo ngược này thường kết thúc.

Điều đó xảy ra trong thời gian ngắn tại đỉnh điểm của sự hỗn loạn trên thị trường vào ngày 5/8, sau dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ đã gây ra lo ngại rằng tăng trưởng đang chậm lại nhanh chóng và gây ra sự biến động trên thị trường trái phiếu.

Nhưng đến cuối phiên giao dịch ngày 5/8, lợi suất trái phiếu Kho bạc đã trở lại mức ban đầu khi thị trường gửi đi những thông điệp biến động mạnh về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đồng yên

Đồng yên tăng giá trở lại so với USD, AUD và MXN

Đồng yên tăng giá trở lại so với USD, AUD và MXN

Vào đầu tháng 7, đồng yên ở mức yếu nhất so với đồng đô la trong hơn 34 năm khi lãi suất của Nhật Bản và Mỹ khác xa nhau. Điều đó khuyến khích các nhà đầu tư đổ xô vào giao dịch đầu cơ vay đồng yên giá rẻ để tài trợ cho các khoản đầu tư có lợi suất cao ở nơi khác.

Nhưng đồng yên đã bắt đầu tăng giá vào tháng 7 và tăng vọt vào tuần trước khi BOJ tăng lãi suất. Điều đó buộc các nhà đầu tư phải đóng các giao dịch chênh lệch lãi suất đang nắm giữ, kéo một số tiền tệ của thị trường mới nổi vào tình trạng dao động mạnh.

"Các giao dịch chênh lệch lãi suất được tài trợ bằng đồng yên đã cung cấp nguồn tài trợ có ý nghĩa và năng động cho các vị thế mua dài hạn trên toàn thế giới…thị trường sẽ có thêm biến động khi các giao dịch đó tiếp tục bị đóng”, chiến lược gia Ben Powell cho biết.

Hôm thứ Tư (7/8), Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Shinichi Uchida cho biết, ngân hàng trung ương sẽ không tăng lãi suất khi thị trường tài chính bất ổn.

“Tôi tin rằng ngân hàng cần duy trì nới lỏng tiền tệ với lãi suất chính sách hiện tại trong thời điểm hiện tại, với diễn biến trên thị trường tài chính và vốn trong và ngoài nước đang cực kỳ bất ổn”, ông cho biết.

Đồng yên đã giảm hơn 2% so với đồng đô la ngay sau bình luận của ông, đây là những phát biểu công khai đầu tiên của một thành viên hội đồng quản trị BOJ kể từ khi ngân hàng này tăng lãi suất vào ngày 31/7.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn