Còn dư địa để giảm lãi suất cho vay?
Phần lớn các ngân hàng đã tăng lãi suất đầu vào. Ảnh: Duy Dũng

Áp lực tăng lãi suất đầu vào đã “nóng lên”

Trên thị trường ngân hàng, lãi suất huy động đang dần nóng lên từng ngày. Việc tăng lãi suất không chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ, nhỏ lẻ ở một vài ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ, mà tới thời điểm này, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã nhập cuộc.

Tín dụng phục hồi

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3/2024 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

Theo số liệu công bố từ đầu tháng 8 của MBS Research, tính đến ngày 25/7, tổng cộng đã có 16 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% - 0,7%, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Trong nhóm các ngân hàng cổ phần nhà nước, sau tiếp nối VietinBank, BIDV là ngân hàng thứ 2 trong nhóm này điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 – 36 tháng được tăng thêm 0,1%/năm lên mức 4,9%.

Theo lý giải của các chuyên gia MBS Research, các ngân hàng đã ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Nối theo xu hướng đó, từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8, lãi suất huy động tiếp tục được nhiều ngân hàng nâng lên từ mức 0,1 – 0,8 điểm phân trăm ở nhiều kỳ hạn khác nhau. Điển như trong nhịp tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong nửa đầu tháng này là: SGB, BAB, BVB, VBB, VIB, STB…

Tăng cao nhất trong đợt này là SGB, khi tăng từ 0,2 – 0,8 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn từ ngày 2/8/2024. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại SGB tăng 0,8 điểm phần trăm lên 3,3%/năm; 3 tháng cũng tăng 0,8 điểm phần trăm lên 3,5%/năm; 6 tháng tăng 0,7 điểm phần trăm lên 4,8%/năm; và kỳ hạn 12 tháng tăng 0,5 điểm phần trăm lên 5,8%/năm.

Trong đợt này, 4 ngân hàng quốc doanh lớn cũng nhập cuộc cùng xu hướng. Tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 diểm phần trăm lên 1,7%/năm; 3 tháng cũng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 2%/năm; các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.

Như vậy, lãi suất tiền gửi đã tăng ở tất cả kỳ hạn. Tính bình quân chung, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng

1,6 - 3,9%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng trong khoảng 2,9-5,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3,7 - 5,8%/năm, thậm chí riêng kỳ hạn 12 tháng, tại ABBank đã niêm yết mức lãi 6,2%/năm và kỳ hạn 18 tháng ABBank cũng dẫn đầu tới 6,%/năm.

Lãi suất cho vay cũng áp lực theo?

Trước đây, vào thời điểm kết thúc quý II/2024, nhiều ý kiến dự báo rằng, lãi suất huy động sẽ chỉ tăng cục bộ và khó gây tác động lên xu hướng điều hành chính sách tiền tệ. Tại thời điểm đó, một số dự báo cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn sẽ nhích lên 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2024, ở mức mức 5,2% - 5,5%. So sánh với con số thực tiễn, tại thời điểm trung tuần tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã ở và vượt mức lãi suất trên.

Rõ ràng, lãi suất đầu vào tăng sẽ tạo thêm áp lực cho việc giữ nguyên lãi suất cho vay, thậm chí là tiếp tục giảm để hỗ trợ phục hồi kinh tế như chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Như vậy, mặc dù chịu sức ép từ lãi suất đầu vào tăng, tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ ít tác động tới lãi suất đầu ra theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho rằng, nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay mặc dù đã giảm nhiều song vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay vẫn cần tính tới câu chuyện giảm thêm, quan trọng nhất là cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và an toàn.

Theo chuyên gia này, nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, qua 6 tháng đã đạt mục tiêu Chính phủ để ra, tuy nhiên, tín dụng chỉ bùng lên vào giai đoạn tháng 6. Tháng 7, tín dụng đã “nguội” đi rất nhiều. “Điều này đặt ra sự băn khoăn về mức độ hấp thụ tín dụng. Thông thường cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ gia tăng, nhưng để đạt mức chỉ tiêu 15% là không dễ, trong bối cảnh sức cầu vẫn còn yếu và mặt bằng cho vay thực tế chưa thật sự rẻ” – Chuyên gia này cho hay./.