“Con đường mới” cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận vốn
30% doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh sử dụng tín dụng không chính thức
Tài chính toàn diện là việc mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Hiện có gần 6 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình, nhưng 30% trong số này phải sử dụng tín dụng không chính thức vì tỷ lệ vay thành công từ các tổ chức tín dụng ở mức thấp. |
Trong đó, Liên hợp quốc xác định, tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt được 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đến nay, có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển Khải chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Tại Việt Nam, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030 nên Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật về khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính...
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), nhờ sự tăng trưởng nhanh ở cả số lượng kênh cung ứng dịch vụ và tốc độ chuyển đổi số, tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại đã tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh (vốn khoảng 5-6 triệu đồng) khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.
Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hộ gia đình rất cao. Tuy nhiên, do khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình thường tìm kiếm nguồn vốn từ gia đình, bạn bè, nhưng cũng không ít trường hợp đã tìm đến những tổ chức tài chính phi chính thức, thậm chí là “tín dụng đen” với lãi suất cao.
Theo thống kê của IDS, hiện có gần 6 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình, nhưng 30% trong số này phải sử dụng tín dụng không chính thức vì tỷ lệ vay thành công từ các tổ chức tín dụng ở mức thấp. Nguyên nhân do các tổ chức tín dụng chỉ dành 20% danh mục cho vay cho cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; các tổ chức tài chính vi mô thì nguồn lực hạn chế khi mới đạt hơn 200.000 khách hàng, quy mô khoản vay 30 triệu đồng.
Cũng theo IDS, một nguyên nhân khác về tỷ lệ vay thành công thấp là do 80% doanh nghiệp được khảo sát không có lịch sử tín dụng, 60% không đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp, 70% không có kế hoạch kinh doanh.
Fintech là giải pháp trọng tâm
Vì thế, giải quyết những khó khăn trên, theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng (Đại học Đại Nam), công nghệ tài chính (fintech) là giải pháp trọng tâm. Công nghệ này không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà còn tăng tiện ích, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp nhỏ.
Theo đó, fintech sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh… Báo cáo IDS cho rằng, để đẩy nhanh tài chính toàn diện, kinh nghiệm quốc tế là phải thực thi các chính sách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện.
Chẳng hạn, Ấn Độ phát triển mạng lưới đại lý ngân hàng với mục tiêu mở rộng dịch vụ tài chính tới khu vực nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ đại lý ngân hàng đã tăng 25% trong 5 năm gần đây. Indonesia cũng cho phép mô hình đại lý ngân hàng hoạt động từ năm 2013, các ngân hàng thương mại bắt tay với các tổ chức phi ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Để hỗ trợ các fintech, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tạo khung pháp lý thử nghiệm với nhiều giải pháp khác nhau dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tuy vậy, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở khung pháp lý đối với các doanh nghiệp fintech khi chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Ông Mai Danh Hiền, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) cho hay, các quy định pháp lý về cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng. Nhưng trong số 26 công ty tài chính hiện nay có rất ít công ty cho vay phân khúc doanh nghiệp, chủ yếu là cho vay tiêu dùng với cá nhân.
EVN Finance là một trong các công ty tài chính có nhiều sản phẩm hướng tới cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, bản thân các công ty tài chính đang "đau đầu" với tình trạng “bùng nợ” cũng như tình trạng gian lận, giả mạo công ty tài chính để lừa đảo. Việc đòi nợ rất khó khăn do các công ty này thiếu nhân lực trong khi thị trường thiếu vắng các đơn vị trung gian đòi nợ.
Những khó khăn nêu trên khiến các công ty tài chính chưa mạnh dạn cho vay rộng rãi, người đi vay cũng chưa đặt đủ niềm tin vào công ty tài chính. Vì vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng. Các lỗ hổng quy định pháp lý của hoạt động fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ và bảo mật thông tin cần nhanh chóng được xử lý.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước: Hành lang pháp lý phải vận hành trôi chảy Ở góc độ ngân hàng, tài chính toàn diện có 4 trụ cột cần phải thực hiện. Thứ nhất là hành lang pháp lý phải được vận hành một cách trôi chảy, có ràng buộc nhưng vẫn thuận lợi. Thứ hai là phải đổi mới, sắp xếp lại một cách có hiệu quả các tổ chức cung ứng mô hình dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế được thụ hưởng. Thứ ba là giáo dục nhận thức về tài chính và quản lý tài chính toàn diện. Thứ tư là ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới để vừa trở thành phương tiện vừa trở thành nguồn lực hỗ trợ những đối tượng thụ hưởng tài chính toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng trung gian tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính đã phát triển mạnh trong vài năm nay. Các sản phẩm dịch vụ tài chính mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, “con đường mới” cho các doanh nghiệp triển khai dịch vụ tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô. TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước): Các dịch vụ tài chính cần thiết kế phù hợp hơn Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, công nghệ nói chung và fintech nói riêng chính là bước đột phá để mở ra khả năng tiếp cận nhanh chóng, giá rẻ và an toàn đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Vì thế, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hành lang pháp lý cần nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, mô hình kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện nhanh chóng. Hơn nữa, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần tiếp tục được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Đồng thời cần tiếp tục đẩy nhanh khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc định danh, xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Minh Chi (ghi) |
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn