Cơn sốt EURO 2024 giúp bia Hà Nội (BHN) lội ngược dòng, ngắt chuỗi 3 quý liên tiếp lợi nhuận lao dốc

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (bia Hà Nội - Habeco, mã chứng khoán: BHN) vừa công bố BCTC quý II/2024 của mình.

Doanh thu thuần quý II/2024 của Habeco tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 2.306 tỷ đồng, chủ yếu từ doanh thu bán thành phẩm và hàng hóa, với hơn 2.264 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng mạnh 21% lên 643 tỷ đồng, nhờ giá vốn tăng chậm, giúp biên lợi nhuận cải thiện từ 26% lên 28%.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 32% xuống còn 40 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và cho vay, từ 56 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước xuống còn 38 tỷ đồng trong quý này.

Sau khi khấu trừ các chi phí khác, lợi nhuận trước thuế của Bia Hà Nội đạt 221 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng đã phục hồi đáng kể so với mức lỗ 13 tỷ đồng trong quý I. Điều này giúp Bia Hà Nội ngắt mạch 3 quý liên tiếp lợi nhuận sụt giảm so với quý liền trước. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 172 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giai đoạn quý II năm nay cũng trùng với mùa hè nóng bức ở miền Bắc và sự kiện thể thao lớn EURO 2024, nhiều khả năng đây là yếu tố giúp Habeco phục hồi mạnh mẽ.

Cơn sốt EURO 2024 giúp bia Hà Nội (BHN) lội ngược dòng, ngắt chuỗi 3 quý liên tiếp lợi nhuận lao dốc
Kết quả kinh doanh quý II/2024 của BHN

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 18%, còn 151 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của "ông lớn" ngành bia miền Bắc này tăng 125 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 7.275 tỷ đồng. Dù lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 42%, xuống còn 671 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho lại giảm nhẹ 3%, đạt 695 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tăng 19% lên 2.188 tỷ đồng, trong đó nợ vay chỉ chiếm 58 tỷ đồng. Phần lớn nợ nằm ở các khoản phải trả khác, như cổ tức phải trả cho cổ đông (420 tỷ đồng) và nhận ký quỹ ký cược ngắn và dài hạn (lần lượt là 152 và 112 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đạt 5.088 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 556 tỷ đồng.

Tiền thân của Habeco là nhà máy bia Hommel do người Pháp xây dựng từ năm 1890. Từ một nhà máy bia nhỏ bị phá hủy sau chiến tranh, Habeco đã phát triển mạnh mẽ, trở thành "ông lớn" dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia ở phía Bắc với những thương hiệu huyền thoại như Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội và Bia Trúc Bạch.

Dù từng là thương hiệu bia nội được ưa chuộng nhất miền Bắc, nhưng những năm gần đây, Habeco liên tục đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nặng ký như Heineken, Carlsberg... Thị phần của "biểu tượng ngành bia Bắc Bộ" dần suy giảm, kéo theo kết quả kinh doanh sa sút.

Năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 6.543 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn