Công bố lãi suất cho vay góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Khảo sát nhanh tại website ngân hàng cho thấy, các ngân hàng cập nhật công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân đối với các khoản vay mới trong tháng.
Ví như tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân đang là 7,47%/năm; lãi suất huy động bình quân là 4,2%/năm.
Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,47%...
BIDV, lãi suất cho vay bình quân là 6,25%/năm. Chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân - huy động vốn bình quân) là 3,10%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,81%.
Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân là 6,4%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi với cho vay bình quân 3,4%/năm.
Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,8%.
VietinBank công bố lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,3%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%.
Ngân hàng cho biết, mức chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân được dùng để bù đắp cho các khoản chi phí tuân thủ quy định của pháp luật như: Chi phí dự phòng rủi ro, chi phí vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, chi phí hoạt động…
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay bình quân có nhỉnh hơn một chút.
Theo công bố của VIB, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân là 7,29%, còn khách hàng doanh nghiệp là 6,83%/năm; với khoản vay trung/dài hạn có lãi suất cho vay bình quân là 8,6%/năm đối với khách hàng cá nhân, 7,69%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân tại ngân hàng là 3,16%.
Đối với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác, VIB cho biết, khi vay ngắn hạn bằng đồng VND, mức lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp chỉ từ 4%/năm.
Còn tại Sacombank, lãi suất cho vay bình quân được công bố ở mức 7,09%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân là 2,8%.
SHB công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,9%/năm. Chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân – huy động vốn bình quân) là 3,7%/năm.
Techcombank công bố lãi suất bình quân của các khoản vay mới là 7,33%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 4,33%.
Hay tại OCB, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân được công bố là 7,9%/năm, còn đối với khách hàng doanh nghiệp là 8,93%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay bình quân với lãi suất tiền gửi bình quân là 3,98%.
LPBank công bố lãi suất cho vay bình quân các khoản phát sinh trong tháng ở mức 8,07%/năm. Lãi suất bình quân đối với tiền gửi tất cả các kỳ hạn là 5,82%/năm. Chênh lệch ở mức 2,25%/năm.
Song song với công bố lãi suất cho vay trên website, các ngân hàng cũng lưu ý: lãi suất cho vay được công bố trên website chỉ là lãi suất bình quân của ngân hàng, không phải lãi suất áp dụng với từng khoản vay, gửi.
Do đó, để tìm hiểu về các chương trình tín dụng/chương trình khuyến mại/ưu đãi của ngân hàng trong từng thời kỳ, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất để có được những thông tin cụ thể.
Theo giới chuyên môn, việc các ngân hàng triển khai công bố thông tin về lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất cho vay bình quân với lãi suất tiền gửi bình quân trên website không chỉ thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, mà còn là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn các ngân hàng có mức lãi suất bình quân thấp để tiếp cận vay vốn. Còn về phía ngân hàng cũng lấy đó làm động lực giảm các chi phí liên quan để có được nguồn vốn đầu ra tốt nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân.
PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các mức lãi suất.
Trên cơ sở đó, đảm bảo tính công khai minh bạch cho các hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại và đem lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho việc tiếp cận vốn tín dụng tốt và giúp cho nền kinh tế có mức lãi suất tốt hơn.
Với cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ và minh bạch hơn, giới chuyên môn dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi trở lại trong thời gian tới. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/3/2024 đạt 0,26% so với cuối năm trước.
Mức tăng trưởng trong hoạt động cho vay của nền kinh tế trong quý I/2024 như vậy là thấp hơn đáng kể so với diễn biến các năm trước (trung bình 5 năm giai đoạn 2019 - 2023, tín dụng tăng 3,2% so với đầu năm).
Hiện tại, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (khu vực tổ chức và dân cư) đã giảm cả ở chiều huy động và cho vay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động giảm chậm hơn lãi suất cho vay trong quý I/2024, giảm lần lượt 40 điểm cơ bản và 60 điểm cơ bản so với đầu năm.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, nhiều ngân hàng tích cực đưa ra các ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn.
"Cùng với hoạt động kinh tế quý I/2024 vẫn tạo tiền đề cho sự cải thiện trong các quý tới, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng rằng doanh nghiệp và người dân sẽ "thẩm thấu" được tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong các quý tới, từ đó bộc lộ được qua hành vi tăng tiêu dùng và đầu tư", các chuyên gia VDSC dự báo.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn